(Xây dựng) - Vừa qua, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty TNHH Google châu Á Thái Bình Dương đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm tăng tốc, thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục và lĩnh vực điện toán đám mây tại Việt Nam.
Ký kết giữa Viettel và Google hy vọng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và điện toán đám mây tại Việt Nam. |
Theo đó, quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ thúc đẩy phát triển các lớp học thông minh, có sự kết hợp của nền tảng quản lý giáo dục K12Online của Viettel với các sản phẩm, công cụ và dịch vụ của Google for Education, nhằm phát triển hệ sinh thái giáo dục số mạnh mẽ tại Việt Nam. Học sinh sẽ được nâng cao tính chủ động và cá nhân hóa trải nghiệp học tập, đồng thời được tiếp cận cơ hội khai thác tối đa các tài nguyên học tập trên không gian mạng. Sự kết hợp dự kiến sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel tham gia vào buổi ký kết. |
Bên cạnh đó, hai bên sẽ mang đến mô hình kinh doanh điện toán đám mây (cloud) mới trên cơ sở tận dụng thế mạnh về cơ sở hạ tầng và trung tâm dữ liệu Viettel Cloud và nền tảng Google Cloud Platform nhằm cung cấp những giải pháp phù hợp với nhu cầu cụ thể của thị trường và khách hàng Việt Nam. Các cá nhân và doanh nghiệp có thể yên tâm khi dữ liệu của mình được bảo vệ một cách hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thông tin của Chính phủ và bảo mật quốc tế.
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được hai bên đưa ra được những giải pháp công nghệ hữu ích cho thị trường Việt Nam. Các mô hình trợ lý ảo phục vụ nhu cầu của từng nhóm khách hàng sẽ được đào tạo chính xác và thông minh, phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt. Viettel và Google dự kiến đồng tổ chức các hội thảo liên quan đến lĩnh vực AI nhằm thúc đẩy công nghệ này tại Việt Nam.
Đại diện của Google châu Á – Thái Bình Dương tham gia sự kiện. |
Lễ ký kết mở ra một chặng đường hợp tác triển vọng khi cả 2 doanh nghiệp đều có những thế mạnh có thể hỗ trợ nhau trong việc thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam.
Nền tảng giáo dục của Viettel: K12Online là hệ thống hỗ trợ toàn trình công tác quản lý điều hành, hỗ trợ dạy – học và đánh giá kiểm tra trực tuyến dành riêng cho các đơn vị giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Sau gần 3 năm ra mắt, K12Online đã hỗ trợ khởi tạo tài khoản cho hơn 185.000 giáo viên và 7.1 triệu học sinh đến từ hơn 10.000 cơ sở giáo dục trên cả nước. Kho học liệu đạt 6.9 triệu học liệu và ghi nhận hơn 640 triệu lượt truy cập từ người dùng.Với các đóng góp cho ngành giáo dục, K12Online đã đạt Giải Vàng – Giải thưởng IBA, Stevie Awards 2022; Giải Vàng – Cuộc thi IT World Awards 2022. Viettel Cloud: Viettel Cloud là Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ Điện toán đám mây hiện đại được phát triển bởi Tập đoàn Viettel. Với mục tiêu trở thành nền tảng an toàn, linh hoạt, bền vững cho hành trình chuyển đổi số của Chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp, Viettel Cloud sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng, dễ tiếp cận với người dùng, đảm bảo an toàn bảo mật và cam kết tỷ lệ uptime lên đến 99,99%. Giới thiệu về Google & Viettel: Google là một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, chuyên về các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến internet bao gồm: công nghệ quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây, công cụ tìm kiếm, Youtube, phần cứng và phần mềm với Sứ mệnh sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin đó trở nên hữu ích và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người Viettel là doanh nghiệp viễn thông, công nghiệp, công nghệ số 1 Việt Nam; là một trong những doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận, nộp thuế và đóng góp cho ngân sách quốc gia lớn nhất cả nước. Hoạt động của Viettel đã vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia, trở thành một trong những thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu, với hơn 50.000 nhân sự tham gia hoạt động kinh doanh tại 11 quốc gia trải dài 3 châu lục, gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục ngàn người. Là nòng cốt của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, Viettel đã làm chủ các công nghệ lõi quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông, ngành công nghiệp an ninh mạng, ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. |
Khánh Diệp
Theo