Thứ năm 02/05/2024 20:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

VietAbank, Indovinabank bị cảnh báo tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản

14:26 | 23/11/2023

(Xây dựng) – Đó là nội dung được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tính đến ngày 30/9/2023. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tồn tại, hạn chế đối với hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và 1 số Ngân hàng thương mại.

VietAbank, OCB, Indovinabank bị cảnh báo tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản
VietA Bank bị cảnh báo tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản.

Chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém

Thực hiện nhiệm vụ tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành một số cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình. Căn cứ kết quả kiểm toán đến ngày 30/9/2023 và Báo cáo số 432/BC-CP ngày 03/9/2023 của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kết quả kiểm toán. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp.

Việc bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (qua kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước năm 2023): Tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng, một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản hoặc cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn; Đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (03 Ngân hàng) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này lỗ liên tục (theo báo cáo dự kiến tổng quy mô khoản vay đặc biệt của 04 đơn vị là 168.000 tỷ đồng).

Đến thời điểm kiểm toán tháng 8/2023: Việc xử lý 03 Ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc; 01 Ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc; Tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, cụ thể: nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống đến 31/12/2022 là 25,6% không vượt ngưỡng cho phép, tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng tăng, cụ thể: Khối ngân hàng thương mại cổ phần năm 2022 đạt 30,7% (năm 2021 là 26,3%); khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng tăng từ 37,0% năm 2021 lên 42% năm 2022. Tại 31/12/2022, ngoài 05 ngân hàng thương mại yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn, thì một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng như: VietAbank (33%); Indovinabank (31,1%).

Giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng khác

Về lãi suất cho vay (phấn đấu giảm khoảng 0,5%-1%): Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%. Bên cạnh đó, còn có một số nội dung cần lưu ý như, cuối tháng 9/2022, trong vòng 01 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có 02 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%). Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của Ngân hàng Nhà nước, trong khi các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định; Nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với năm 2021.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới một số tồn tại, hạn chế trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng thương mại. Cụ thể, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có một phần từ nguyên nhân chủ quan như: Phản ứng của Ngân hàng Nhà nước còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất còn đột ngột; chức năng thanh tra giám sát của cơ quan thanh tra giám sát còn có điểm yếu kém, chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của đối tượng giám sát vi mô; các Ngân hàng thương mại vì mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận, chưa thực sự tiết giảm chi phí cũng như chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Qua đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 03 ngân hàng mua bắt buộc và DongAbank.

Trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng khác…(thực hiện thanh tra trực tiếp nếu xét thấy cần thiết) để kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

Đỗ Lê

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load