Bất ngờ với thứ hạng của Việt Nam trong danh sách 21 quốc gia và vùng lãnh thổ giàu nhất châu Á theo thống kê của Insider Monkey.
Để xác định những quốc gia giàu có nhất châu Á, trang Insider Monkey đã phân tích dữ liệu về sự giàu có toàn cầu của Credit Suisse tính đến hết năm 2021.
Từ đó, Insider Monkey đưa ra danh sách 21 quốc gia và vùng lãnh thổ giàu có nhất châu Á, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 16 với tổng tài sản năm 2021 là 985 tỷ USD.
Trang này nhận định dù Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhưng đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế kỷ 21.
Việt Nam hiện là thành viên của một số tổ chức quốc tế và liên chính phủ, như ASEAN, APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) và WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới).
4 vị trí đứng đầu danh sách của Insider Monkey (theo thứ tự giảm dần) bao gồm: Trung Quốc (85.107 tỷ USD), Nhật Bản (25.692 tỷ USD), Ấn Độ (14.225 tỷ USD), Hàn Quốc (10.149 tỷ USD).
Tính toán của Insider Money dựa trên giá trị của tài sản tài chính và phi tài chính trừ đi nợ chứ không xét đến các yếu tố khác góp phần vào sự giàu có của một quốc gia như tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực hoặc tiềm năng kinh tế của nước đó.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế kỷ 21 (Ảnh: Hữu Nghị). |
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), châu Á đã chứng minh khả năng phục hồi tương đối tốt trong bối cảnh bất ổn trên toàn thế giới.
Các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ được đánh giá là đã vượt qua một cách hiệu quả những thách thức do đại dịch, cuộc xung đột Nga - Ukraine và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một phần nguyên nhân có thể là các chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô phù hợp, hoạt động xuất khẩu cũng như nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở một số quốc gia. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của các nước châu Á được dự đoán sẽ tăng lên 5,3% vào năm 2023 và 5,4% vào năm 2024.
Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng trưởng GDP thực tế trung bình dự kiến đạt 4,6% trong năm nay và 4,8% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với năm 2022 nhưng vẫn thể hiện khả năng phục hồi dựa trên khung dự báo của OECD.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), lạm phát tại khu vực được dự đoán là sẽ hạ nhiệt trong năm nay và năm sau, dần dần đạt đến mức trước đại dịch.
Các số liệu dự báo cho thấy lạm phát sẽ giảm xuống 4,2% trong năm nay và 3,3% vào năm 2024, so với mức 4,4% được ghi nhận vào năm ngoái. Triển vọng lạm phát của châu Á dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn và giá hàng hóa liên tục tăng cao.
Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn nhờ một số động lực chính như sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch và sự tăng trưởng tốt của Ấn Độ.
Trong khi đó, phần của lại của thế giới được dự đoán là sẽ tăng trưởng chậm hơn do các chính sách tiền tệ thắt chặt cũng như ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.
Theo Hạnh Vũ (Yahoo Finance)/Dantri.com.vn