Thứ bảy 21/12/2024 22:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Việt Nam ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

22:25 | 18/07/2024

(Xây dựng) - Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Việt Nam ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Doanh nghiệp cần nâng cấp chính mình - nâng tầm về chất

Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

Theo Quyết định, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế; tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất…

Việt Nam ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Quan tâm, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Một số sản phẩm khác cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Dù đã có những bước tiến nhất định, tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế do chi phí sản xuất cao, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công còn thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao…

Trước thực trạng trên, để ngành công nghiệp hỗ trợ tăng cường khả năng linh hoạt nguồn cung ứng, cần phải có hướng đi mới. Bên cạnh bệ đỡ là các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của ngân hàng, theo các chuyên gia, mỗi doanh nghiệp phải không ngừng nâng cấp chính mình, nâng tầm về chất.

Tạo một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế cho rằng, ở vị trí trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Mặc dù vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo chuyên gia này, Việt Nam cần xác định những "hạt giống tiềm năng", có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. Từ đó, những “sếu đầu đàn” này sẽ thu hút tạo dựng được liên kết với các doanh nghiệp và các thể chế liên quan, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững.

Còn theo ông Huỳnh Thanh Ðiền - chuyên gia kinh tế, trong chuỗi liên kết, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có vai trò quan trọng. Đây là trung tâm của chuỗi liên kết. Do vậy, các thành phố lớn cần dành quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi liên kết ngành, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Cần nhiều chính sách hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới kiến tạo chuỗi cung ứng "Made in Vietnam". Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vốn từ cơ quan chức năng phải nhất quán, hạn chế thay đổi để giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm, để xây dựng nền công nghiệp tự chủ, cần có thêm cơ chế cho những doanh nghiệp đầu tàu. Đến giai đoạn này, chúng ta đã manh nha những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Đây sẽ là động lực dẫn dắt ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trong tương lai.

“Hiện, Bộ Công Thương đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hoài cho biết.

Lan Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load