(Xây dựng) – Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021, vừa được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ 81 sáng chế, giải pháp hữu ích; 101 chỉ dẫn địa lý; 464 nhãn hiệu chứng nhận và 1.047 nhãn hiệu tập thể cho nông sản Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Tham dự Hội nghị hôm nay, với mong muốn đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành một động lực quan trọng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là trong hoạt động chế biến và phát triển thị trường nông sản của Việt Nam.
Tại Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra 04 vấn đề xung quanh thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản. Đó là: Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết tiếp tục đồng hành cùng Bộ và ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào công nghiệp chế biến nông sản.
Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản đối với các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, mà hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý, triển khai thực hiện như: Chương trình sản phẩm quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các chương trình này sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho việc tăng năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Muỗi Bạc Liêu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. |
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ việc bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông sản. Đến thời điểm hiện tại, Cục Sở hữu Trí tuệ đã bảo hộ 81 sáng chế, giải pháp hữu ích; 101 chỉ dẫn địa lý; 464 nhãn hiệu chứng nhận và 1.407 nhãn hiệu tập thể cho nông sản Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo hộ và khai thác các tài sản trí tuệ của các nông sản.
Đây thực sự có thể là một giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và chinh phục được thị trường thế giới. Có thể đơn cử một số sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, như: Cà phê, vải thiều, thanh long, trà,… sau khi được bảo hộ chỉ dẫn ở nước ngoài đã tiếp cận và mở rộng thị trường sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU,…
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng các nông sản, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về truy xuất nguồn gốc; xây dựng cổng thông tin quốc gia về truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm nông sản. Đến hết năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố và thẩm định ban hành được 1.137 tiêu chuẩn Việt Nam và 222 quy chuẩn Việt Nam thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm nông sản này cũng ngày càng hài hòa với các tiêu tiêu chuẩn khu vực và thế giới, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu Long nhiều trái ngon được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. |
Nhằm tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến nông sản có thể tiếp cận công nghệ, thiết bị tiên tiến, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phát triển thị trường khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực chế biến nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan khác.
Tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 120 về “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, vừa qua (ngày 13/3/2021) tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải tập trung phát triển thị trường khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi vựa nguyên liệu lớn nhất, đầy tiềm năng cho hoạt động chế biến nông sản của cả nước.
Huỳnh Biển
Theo