(Xây dựng) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước tuy đã khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; kết thúc năm 2018, vừa tròn 5 năm chặng đường xây dựng và phát triển của Viện Kiến trúc Quốc gia (KTQG), mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng được sự quan tâm đầu tư của Bộ Xây dựng, sự nỗ lực đoàn kết của cán bộ, viên chức, người lao động, Viện KTQG đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng |
Năm 2018, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện KTQG đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định, kiện toàn, hoàn thiện và tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp cho bộ máy toàn Viện KTQG, nhằm đáp ứng tốt nhất các chức năng nhiệm vụ đã được Bộ Xây dựng giao và định hướng phát triển của Viện KTQG, đảm bảo công ăn việc làm cho viên chức, người lao động.
Tính đến 31/12/2018, Viện KTQG đã tinh gọn, kiện toàn bộ máy từ 21 đơn vị còn 16 đơn vị trực thuộc. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là hơn 300 người, trong đó có 100 cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, lý luận phê bình; 152 cán bộ, nhân viên làm dịch vụ tư vấn thiết kế quy hoạch và kiến trúc, giám sát, quản lý dự án...
Viện triển khai và hoàn thành nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. Cụ thể: trình Bộ ban hành 1 Thiết kế điển hình; nghiệm thu cấp Bộ 3 dự án SNKT; đã nghiệm thu cơ sở 13 đề tài, dự án và 1 đề tài NCKH trọng điểm cấp Bộ; lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn: đã hoàn thành và nghiệm thu cơ sở 1 đề tài và đang triển khai nghiên cứu nhiều TCVN lĩnh vực ngành kiến trúc xây dựng; về nhiệm vụ thường xuyên năm 2018, Viện KTQG được Bộ đặt hàng, giao thực hiện 12 nhiệm vụ và đến thời điểm tháng 12/2018 Viện KTQG đã hoàn thành các nhiệm vụ.
Đồng thời, phối hợp với Vụ QHKT tổ chức Hội thảo và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Kiến trúc tại một số địa phương; tổ chức và phối hợp với các Sở Xây dựng, Sở QHKT, UBND tại các địa phương để triển khai các nội dung hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực... thường xuyên làm việc, kết nối với các chuyên gia trong nước từ các Cục, Vụ, trường đại học, viện nghiên cứu... trong các công việc chuyên môn.
Hợp tác quốc tế của Viện KTQG tiếp tục phát triển, cụ thể năm 2018 Viện KTQG đã làm việc với nhiều tổ chức nước ngoài như: Cty Spatial - Ấn Độ tổ chức hội thảo chủ đề “Quy hoạch và thiết kế bệnh viện; tổ chức Simenar và thỏa thuận hợp tác với Hiệp Hội Công trình xanh Đài Loan; với các chuyên gia Hàn Quốc về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; với chuyên gia từ Cty ALLEGION (Mỹ) về lĩnh vực “Tiêu chuẩn hóa cửa an toàn”; với Viện Nghiên cứu xây dựng và con người (Hàn Quốc) về kế hoạch triển khai dự án “Đào tạo cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề của KTS và KS tại Việt Nam”; với Tập đoàn SAMOO của Hàn Quốc về kế hoạch tiếp tục phát triển hợp tác trong tư vấn thiết kế công trình; với Vụ Tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng Trung Quốc về hợp tác nghiên cứu Tiêu chuẩn trong xây dựng...
Về đào tạo tiến sĩ kiến trúc tại Viện KTQG, tính đến tháng 12/2018 tổng số nghiên cứu sinh là 13 người. Trong năm 2017 Viện KTQG đã tổ chức thành công cho 1 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ và năm 2018 Viện KTQG đã tổ chức 7 Hội đồng khoa học đào tạo về góp ý đề cương, các chuyên đề nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh.
Trong năm, Viện KTQG đã phối hợp, hỗ trợ Cty VILANDCO tổ chức khóa đào tạo về “Mô phỏng năng lượng trong công trình” và hoàn thành giảng dạy cho 2 khóa tập huấn về thiết kế đô thị tại: Quảng Ninh và TP.HCM.
Về sản xuất kinh doanh và dịch vụ tư vấn của Viện KTQG tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Ngoài các hoạt động dịch vụ tư vấn chuyển tiếp từ các năm trước, trong năm 2018 Viện KTQG đã ký được nhiều hợp đồng dịch vụ khoa học, dịch vụ tư vấn với các địa phương để thực hiện các chương trình phát triển đô thị, thiết kế đô thị, chỉnh trang đô thị, thiết kế kiến trúc công trình và quy hoạch xây dựng... Theo số liệu, năm 2018 tổng giá trị sản lượng thực hiện toàn Viện KTQG đạt 203,654 tỷ đồng (tăng 140% so với năm 2017), trong đó sản lượng thực hiện dịch vụ tư vấn 174,482 tỷ đồng; tổng doanh thu toàn Viện KTQG đạt 91,831 tỷ đồng. Chia bình quân sản lượng cho toàn Viện KTQG, thì năm 2018 đạt 320 triệu đ/người.
Nhiều hội thảo quan trọng đã được Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức hoặc tham gia đóng góp ý kiến.
Bên cạnh việc thực hiện các đề tài khoa học công nghệ, tư vấn thiết kế và dịch vụ chuyên ngành, Viện KTQG tiếp tục chú trọng và chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia các cuộc thi nhằm quảng bá thương hiệu của Viện KTQG. Trong năm 2018, Viện KTQG đã tham gia hơn 10 cuộc thi và đoạt 3 giải Nhất và 1 giải Nhì.
Viện KTQG đẩy mạnh gắn kết với các nhà khoa học, lý luận phê bình kiến trúc; duy trì, cập nhật đầy đủ, thường xuyên về mọi mặt hoạt động của Viện KTQG trên trang Website Viện KTQG và của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. Trong năm 2018 Tạp chí Kiến trúc Việt Nam thực hiện xuất bản 10 ấn phẩm Tạp chí Kiến trúc Việt Nam năm 2018 (10 chuyên đề) gồm: Phát triển đô thị Bắc sông Hồng - Cơ hội và thách thức; Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới; TP.HCM - Bài toán cải tạo Xây mới chung cư cũ; Condotel - Đồng bộ tính pháp lý quản lý và thiết kế công trình; Luật Kiến trúc - Kinh nghiệm quốc tế; Phòng cháy chữa cháy trong nhà cao tầng...
Với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được trong 5 năm qua, Viện KTQG đã vinh dự là một trong 13 đơn vị trong toàn ngành Xây dựng cả nước được Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng “Cờ thi đua” cho tập thể Viện KTQG vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng (29/4/1958 - 29/4/2018).
Khắc phục các hạn chế và tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm 2018 cùng những yêu cầu, đòi hỏi mới cho bước phát triển tiếp theo. Năm 2019, Viện KTQG sẽ tập trung vào một số công việc trọng tâm như sau:
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy và nâng cao tính chuyên nghiệp cho các đơn vị trực thuộc; tăng cường nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm, có khả năng nghiên cứu khoa học và phối hợp thực hiện để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, định hướng phát triển của Viện KTQG và các đơn vị trực thuộc;
Chuyên nghiệp hóa trong bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả và phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc Viện KTQG; hoàn thiện các cơ chể, quy chế để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao; từng bước đưa bộ máy của Viện KTQG thích nghi với cơ chế tự chủ trong mọi hoạt động;
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản; các nghiên cứu phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các nghiên cứu khoa học công nghệ lĩnh vực ngành; nghiên cứu điển hình tiêu chuẩn hóa xây dựng; nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc, cảnh quan truyền thống... nhằm thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Bộ Xây dựng, xây dựng nông thôn mới, thiết chế công đoàn phục vụ người lao động;
Nỗ lực kiện toàn, xây dựng lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phục vụ các hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên ngành của Viện KTQG theo hướng chuyên nghiệp, trình độ cao và tâm huyết với công việc; bổ sung đội ngũ chuyên gia ngoài Viện KTQG trong lĩnh vực lý luận phê bình, đào đạo, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu soạn thảo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành.
Tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác, địa phương trong nước nhằm tận dụng kinh nghiệm và trí tuệ xã hội và quốc tế; nâng tầm ảnh hưởng của Viện trong quá trình hội nhập trên các công tác: đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ khoa học; hợp tác thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học.
Tiếp tục mở rộng thị trường, khai thác dịch vụ tư vấn và nghiên cứu khoa học chuyên ngành tại các địa phương. Nâng giá trị sản lượng và nguồn thu kinh phí thực hiện các đề tài, dự án, đồ án... năm 2019 cao hơn năm 2018 khoảng 25%.
Chủ động hoặc phối hợp với các đối tác để xây dựng nội dung và thực hiện tổ chức giải thưởng kiến trúc mang thương hiệu Viện KTQG nhằm nâng cao uy tín của Viện KTQG và phát hiện những các nhân, tập thể có khả năng, triển vọng sáng tạo và vinh danh kịp thời làm động lực phát triển cho sự nghiệp kiến trúc.
Đỗ Thanh Tùng
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia
Theo