(Xây dựng) – Vấn đề gốc rễ của xử lý vi phạm trật tự xây dựng không chỉ đạt được hiệu quả ở công tác Thanh tra, vấn đề ở chỗ là Thanh tra dựa vào pháp luật nào khi xử lý vi phạm trật tự xây dựng? Sự công khai minh bạch trong quy hoạch đô thị và sự xử lý công minh, công bằng của các cấp chính quyền. Luật Thanh tra 2010 là cơ sở để tổ chức lại hệ thống Thanh tra xây dựng chuyên ngành trên toàn quốc; các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đang thực hiện, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đang thực hiện có hiệu quả, sao thành phố Hà Nội phải thay đổi?
Ảnh minh họa
Năm 2002, thực hiện Quyết định số 100/2002/QĐ-TTg ngày 24/7/2002 về việc thí điểm thành lập Thanh tra chuyên ngành xây dựng TP Hà Nội, mỗi quận phải thành lập một cơ quan Thanh tra xây dựng độc lập, tổ chức Thanh tra bao gồm Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và lực lượng các bộ công nhân viên trên dưới 20 người ở các phường cũng thành lập các tổ Thanh tra. Trong đó có Phó Chủ tịch phường kiêm Chánh Thanh tra xây dựng và mỗi phường, xã cũng có tới vài ba người, lực lượng người làm công tác thanh tra hết sức đông đảo. Ở Hà Nội lực lượng này có tới trên ngàn người và TP Hồ Chí Minh trên hai ngàn người. Lực lượng này chuyên về kiểm tra trật tự xây dựng, tham gia tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng, riêng TP Hồ Chí Minh còn tham gia trông giữ xe, vệ sinh môi trường…
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, bên cạnh những thành tích đạt được, mô hình này cũng cho thấy nhiều bất cập, cụ thể như lực lượng Thanh tra quá đông, nhân viên được tuyển dụng vào vị trí Thanh tra không đúng quy định, trình độ năng lực hạn chế… gây nhiều tiêu cực trong xã hội.
Lực lượng Thanh tra được hình thành theo luật Thanh tra năm 2010, có quy định về tiêu chuẩn Thanh tra viên chuyên ngành, hệ thống bộ máy thanh tra chuyên ngành gồm Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng và mô hình thí điểm không còn nữa, tất cả chuyên môn, tổ chức được tập trung dưới sự điều hành của Giám đốc Sở Xây dựng. Một cuộc xáo trộn lớn trong lực lượng Thanh tra tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên việc xáo trộn này là đúng luật, thanh lọc lại bộ máy Thanh tra cấp Sở, các cán bộ làm công tác thanh tra được lựa chọn lại theo tiêu chuẩn của Luật Thanh tra quy định và bộ máy này đã bước đầu ổn định và có hiệu quả, lực lượng con người làm công tác Thanh tra xây dựng đã giảm đi đáng kể.
Qua tổng kết tổ chức bộ máy Thanh tra Sở Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh cho thấy bộ máy này hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên không tránh khỏi những bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt Thanh tra trật tự xây dựng và việc xử lý theo quy định pháp luật rất khó khăn, nguyên nhân chính vẫn là do thành phố thiếu quy hoạch chi tiết 1/500 là cở sở pháp lý số 1 cho việc cấp giấy phép xây dựng và việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Lực lượng thanh tra xây dựng tại các Sở xây dựng hiện nay không chỉ thuần túy làm công tác trật tự xây dựng mà còn thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng đã được pháp luật quy định. Thanh tra các Sở Xây dựng trên toàn quốc đã và đang thực hiện các công việc trong Nghị định 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định, Thanh tra Xây dựng Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang tiến hành những công việc nêu trên. Vậy việc dự kiến chuyển đổi mô hình Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội liệu có đúng theo quy định của pháp luật không? Tại sao cứ phải thí điểm? Muốn trả lời tình hình vi phạm trật tự xây dựng của Hà Nội hiện nay, đặc biệt hàng ngàn công trình vi phạm đang tồn tại có phải do lực lượng Thanh tra Xây dựng không?
Việc tổ chức lại lực lượng Thanh tra Xây dựng tại các Sở Xây dựng theo Luật Thanh tra 2010 ngoài việc đảm bảo tiêu chuẩn Thanh tra viên chuyên ngành xây dựng, thực hiện đầy đủ các chức năng theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP của chính phủ quy định, nó còn tạo ra cho lực lượng Thanh tra có một sự độc lập tương đối với chính quyền cấp quận, huyện nhằm giải quyết các vi phạm trật tự xây dựng độc lập hơn, tốt hơn với mô hình cũ, điều này đã mang lại hiệu quả thực sự nhưng không tránh khỏi sự tranh chấp giữa chính quyền cơ sở và lực lượng Thanh tra. Để giải quyết vấn đề này thành phố cần ban hành quy chế phối hợp và có trách nhiệm rõ ràng giữa lực lượng Thanh tra Xây dựng và chính quyền cơ sở chứ không hoàn toàn như việc quay lại mô hình trước kia.
Trở lại lời giải về công tác quản lý đô thị hiện nay, chúng ta muốn quản lý trật tự đô thị tốt thì vấn đề đầu tiên là quản lý theo cái gì, theo pháp luật nào? Đây là câu hỏi được cả xã hội quan tâm, bởi đó mới là cái “gốc” của công tác quản lý trật tự xây dựng.
Con số thống kê về trật tự xây dựng tại Hà Nội cho thấy, vi phạm trật tự xây dựng tại TP Hà Nội không giảm, các vi phạm trật tự xây dựng không được xử lý là do thiếu quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư đã ổn định bao năm nay những nhà này cho phép cao 9 tầng, nhà kia thấp hơn và thậm chí một nhà khác lại cao hơn rất nhiều… Điều đó không thể giải thích cho nhân dân và không thể xử lý khi vi phạm theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp, bởi việc cấp giấy phép xây dựng không căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt mà căn cứ vào quy chuẩn xây dựng, căn cứ vào ý kiến chủ quan của một số người. Chính vì vậy tình hình vi phạm trật tự xây dựng không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Một khi trên từng tuyến đường, trên từng khu phố quy hoạch xây dựng 1/500 chưa được lập và phê duyệt theo quy định pháp luật, chưa được công bố, công khai trước công dân trong giai đoạn lập và phê duyệt theo đúng trình tự quy định của pháp luật thì việc vi phạm trật tự xây dựng còn tiếp diễn.
Cái gốc của vấn đề vi phạm đã rõ, một khi việc cấp phép xây dựng không có căn cứ pháp luật là quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt mà việc cấp phép xây dựng còn phụ thuộc vào ý đồ của những người có thẩm quyền hoặc việc sử dụng tiêu chuẩn để cấp phép xây dựng như hiện nay thì việc vi phạm trật tự xây dựng còn tiếp tục tái diễn.
Như vậy, việc thay đổi mô hình Thanh tra Xây dựng của Hà Nội chỉ là “cái ngọn” của vấn đề, vấn đề quản lý ở đây là phải giải quyết “từ gốc”. Cách giải quyết thay đổi mô hình Thanh tra này không phải là cơ bản mà còn tạo ra các tiền lệ phức tạp trong việc thực thi pháp luật, đồng thời vấn đề xử lý các vi phạm trật tự xây dựng cũng không thể giải quyết dứt điểm một khi vấn đề “gốc” chưa được quan tâm.
Kim Thoa – Duy Nguyên
Theo