Thứ bảy 20/04/2024 15:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

VICEM: Mùa Xuân ở lại

15:05 | 10/01/2022

(Xây dựng) - Khép lại năm 2021 đầy thách thức với kết quả sản xuất kinh doanh ghi nhận nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên lao động toàn VICEM. Những ngày đầu tháng chạp, tết Nguyên Đán đang cận kề, có dịp trò truyện với “vị thuyền trưởng” Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh, mới thấy VICEM đã vượt qua nhiều thách thức, áp lực.

vicem mua xuan o lai
VICEM hiện thực hoá khát vọng phát triển xanh, bền vững.

1. Năm 2021 là năm hơn 12 nghìn cán bộ lãnh đạo, công nhân viên, lao động toàn VICEM nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Một nhà máy xi măng có quy mô vài trăm người đến vài nghìn người, chuyện kiểm soát dịch không đơn giản. Có nhà máy nằm trên địa bàn dịch, thậm chí hồi tháng 2, VICEM Hoàng Thạch bị phong tỏa. Nhưng máy vẫn chạy, lò vẫn quay, VICEM và các đơn vị đều sản xuất, kinh doanh tốt - Tổng giám đốc Lê Nam Khánh đã bắt đầu câu chuyện như thế.

Vốn trầm tính, sâu sắc nhưng khi nói về mục tiêu kép, đôi mắt Tổng giám đốc VICEM lấp lánh niềm vui, giọng trầm ấm đầy sôi nổi: Ngoài tuân thủ Chỉ thị của Chính phủ, hướng dẫn phòng chống dịch của các Bộ, ngành; VICEM còn thực hiện giải pháp đặc biệt, khoa học đó là: Khi địa bàn nguy cơ có dịch thì đội ngũ kỹ thuật của Phòng vận hành trung tâm ăn, ngủ, làm việc tại chỗ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, có thời điểm vài tháng, cán bộ không được về thăm gia đình, để đảm bảo “trái tim” của nhà máy xi măng được giữ vững, toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh phân phối của VICEM được an toàn trước đại dịch.

Một thách thức nổi bật trong năm 2021 mà ngành Xi măng phải đối mặt là giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, than tăng (than nhập khẩu tăng gần 200%), thạch cao tăng 37%, chịu ảnh hưởng từ thị trường năng lượng thế giới... trong khi giá bán xi măng tăng ít. Hàng loạt phụ gia trong sản xuất xi măng tăng giá, chi phí logistics và vận tải đều tăng…

Thách thức gia tăng thêm áp lực, nhưng cũng là đòn bẩy để DN tìm giải pháp kinh doanh hiệu quả, là phép thử đo “sức khỏe” DN. Thực tế chứng minh VICEM có nội lực vững vàng để vượt qua khó khăn; tập thể đoàn kết đồng lòng để đạt chiến thắng kép trong chống dịch và sản xuất; quản trị DN hiệu quả giúp DN giữ vững nhịp tăng trưởng như năm 2020, khi mà nhiều yếu tố ngoại cảnh muốn kéo hiệu quả sản xuất kinh doanh đi xuống. Năm 2021, toàn VICEM sản xuất 21,480 triệu tấn clinker; 24,095 triệu tấn xi măng; tiêu thụ 29,420 nghìn tấn; doanh thu 33.806 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.011 tỷ; nộp ngân sách 2.072 tỷ đồng.

2. Câu chuyện về chìa khóa tăng trưởng được Tổng giám đốc Lê Nam Khánh nhấn mạnh, bởi trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nguyên nhiên liệu không tái tạo ngày càng cạn kiệt và tăng giá, khoa học phát triển không ngừng, công nghệ số bùng nổ, nếu DN không đổi mới sáng tạo, không tạo ra giá trị vượt trội trong thị trường cạnh tranh gay gắt thì mất thị phần, mất thị trường…

Là DN xi măng lớn nhất nước và lớn nhất Đông Nam Á, VICEM đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường xi măng Việt Nam, trọng trách, vai trò lớn, đồng nghĩa với thách thức và áp lực lớn, buộc DN đổi mới, sáng tạo không ngừng. Chương trình đẩy mạnh đổi mới sáng tạo toàn VICEM được Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh trước đây (nay là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh) khởi sướng, triển khai; được Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh tiếp tục chỉ đạo thực hiện triệt để.

Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh khẳng định: Với 10 DN sản xuất xi măng, trong thời gian qua, VICEM tập trung nghiên cứu, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến thiết bị, tối ưu hóa sản xuất, nhằm giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu các chủng loại xi măng mới như xi măng cho công trình ở biển, hải đảo.

Đồng thời, triển khai đề án số hóa với hai nhiệm vụ chính là số hóa công tác điều hành, bán hàng và số hóa dây chuyền sản xuất. Trong đó, các nhà máy phải xây dựng lộ trình tự động hóa, trước mắt là khâu thí nghiệm và nghiền, đẩy mạnh xây dựng văn phòng điện tử, kết nối kiểm soát khâu lưu thông và logistics, tiến tới hoàn thiện mô hình nhà máy hiện đại, kiểm soát, quản lý theo xu hướng công nghệ 4.0.

VICEM mạnh dạn tái cơ cấu theo hướng tối ưu hóa hoạt động của mô hình công ty mẹ - công ty con; thoái vốn tại các công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh chính và không nắm giữ cổ phần chi phối; tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, mang lại hiệu quả cao; tập trung thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển được coi là thế mạnh của Tổng công ty trong giai đoạn tới. VICEM dần hình thành các đơn vị sản xuất xi măng quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhìn lại chặng đường 1 năm qua, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh vui mừng chia sẻ: Đến nay, các DN đều ổn định, sản xuất kinh doanh tốt. VICEM Hoàng Thạch và VICEM Hà Tiên giữ vững vị trí đầu bảng ở 2 đầu thị trường Bắc - Nam; VICEM Bỉm Sơn và VICEM Hoàng Mai gia tăng thị phần ở miền Trung. Dấu ấn nổi bật trong tiêu thụ thuộc về VICEM Hải Phòng với mức tăng trưởng tiêu thụ nội địa cao nhất VICEM. Một VICEM Hoàng Thạch năng động sáng tạo; một VICEM Hải Phòng kiên trì nỗ lực từng ngày; một VICEM Hạ Long đầy ý chí quật cường; một VICEM Bút Sơn năng động, dám nghĩ dám làm; một VICEM Hà Tiên lớn mạnh, nội lực và đang tiếp tục bứt phá…

VICEM sẽ tổ chức lại theo hướng là một Tổng công ty đơn ngành (tập trung vào ngành nghề cốt lõi là kinh doanh xi măng) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tổng công ty (VICEM Holding) sẽ đảm nhiệm chức năng chính là quản lý vốn và điều phối hoạt động các công ty thành viên. Các công ty xi măng là trung tâm tạo giá trị, dẫn dắt và định hướng chuỗi giá trị của ngành Xi măng từ khâu cung ứng, sản xuất đến khâu lưu thông hàng hóa.

Thời gian tới, VICEM khẩn trương hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ và các Công ty TNHH MTV theo lộ trình cổ phần hóa của Chính phủ và Bộ Xây dựng để Công ty mẹ VICEM tiếp tục giữ vai trò là trung tâm điều phối, định hướng, hỗ trợ, kiểm soát các công ty thành viên sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng. Công tác sáp nhập thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh được VICEM triển khai quyết liệt trong những năm qua và đã hoàn thành.

3. Không chỉ tập trung đẩy mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh, người đứng đầu VICEM khẳng định: Phát triển sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết xã hội. Với khát khao đưa xi măng trở thành ngành kinh tế tổng hợp, giải quyết các vấn đề môi trường cho đất nước, VICEM đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, tìm kiếm giải pháp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, dần hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng. Các nhà máy đảm bảo chất lượng khí thải, hoàn thành lắp đặt quan trắc online;hàm lượng khí thải theo tiêu chuẩn quốc tế; phủ xanh cây, thảm cỏ trong nhà máy và khu vực bãi đất trống…

Hàng loạt các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả như thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải, tro xỉ để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo; sử dụng xỉ, tro bay và thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, tăng cường sử dụng các nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, tăng năng suất và đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường, hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Các đơn vị triển khai quyết liệt, đi đầu là VICEM Hoàng Thạch; VICEM Hà Tiên; VICEM Bút Sơn, VICEM Bỉm Sơn…

Hiện nay, VICEM đang xây dựng Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi hoàn thành, VICEM sẽ báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Trước thềm xuân mới, người VICEM lại tiếp tục hành trình chinh phục những đỉnh cao, phấn đấu năm 2022 sản xuất 21,987 triệu tấn clinker (tăng 2% so với năm 2021); tổng sản phẩm tiêu thụ 30,055 triệu tấn (tăng 2,7%), trong đó tiêu thụ xi măng dự kiến tăng trưởng 9,4%; lợi nhuận trước thuế chưa tính chênh lệch tỷ giá khoảng 2.030 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022 này, VICEM hoàn thành và trình Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt Phương án điều chỉnh và xác định vốn điều lệ của công ty mẹ VICEM. Cụ thể, điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty mẹ VICEM tại thời điểm theo số liệu vốn chủ hữu thực có trên báo cáo tài chính là 16.016,52 tỷ đồng; phê duyệt vốn điều lệ của Công ty mẹ VICEM đến 31/12/2023 là 18.430 tỷ đồng, tăng 2.413,48 tỷ đồng so với vốn điều lệ điều chỉnh tại 31/12/2020.

Bằng nội lực vững vàng, VICEM đã thực hiện tốt vai trò của DN Nhà nước trong ngành Xây dựng dẫn dắt chuỗi giá trị, từ cung cấp nguyên vật liệu đến lưu thông phân phối, tạo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho trên 12.000 cán bộ, công nhân viên, lao động, xứng đáng là DN trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.

Thu Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load