Thứ năm 26/12/2024 17:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Vị trí “chiến lược” của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, xã hội

11:22 | 09/12/2024

(Xây dựng) - Với Đề án quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lợi thế từ hạ tầng giao thông kết nối, là “cửa ngõ” của miền Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai có vị “chiến lược” đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.

Vị trí “chiến lược” của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, xã hội
Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Đồng Nai lấy khu vực đô thị sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai làm động lực phát triển mới của tỉnh.

Là cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng Đông Nam bộ và cả nước

Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, đến năm 2030, tỉnh này sẽ có thêm 2 thành phố và 1 thị xã, cùng các mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Theo đó, trong Đề án quy hoạch số 586/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 3/7/2024 nêu rõ, phạm vi lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai bao gồm toàn bộ tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên 5.863,62km2; thuộc phạm vi 11 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố (thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh); 9 huyện (gồm Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch). Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị: Đến năm 2030 Đồng Nai sẽ có 19 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa); 2 đô thị loại II (thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại III (Long Thành), 7 đô thị loại IV (thị xã Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray) và 8 đô thị loại V (Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray).

Vị trí “chiến lược” của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, xã hội
Một góc thị trấn Long Thành, địa điểm sẽ là “thành phố sân bay” trong tương lai gần.

Là cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng Đông Nam bộ và cả nước, Đồng Nai được định hướng trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, với tốc độ tăng trưởng cao, vượt ngưỡng thu nhập cao và nằm trong nhóm đầu cả nước. Nền kinh tế địa phương sẽ năng động, đi đầu trong các lĩnh vực kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị của tỉnh được xây dựng đồng bộ, hiện đại, thông minh, và bền vững, mang bản sắc riêng. Điểm nhấn trong quy hoạch là phát triển các đô thị sân bay và đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế, trong khi vẫn bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Vị trí “chiến lược” của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, xã hội
Cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành đưa vào sử dụng là một trong những lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.

Tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định 586/QĐ-TTg, Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dẫn đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, với hệ thống hạ tầng thông minh, hiện đại, và đồng bộ. Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, và dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài. Trọng tâm phát triển là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cùng mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. Đồng thời, các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa, đời sống người dân phồn vinh, hạnh phúc, và quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Mục tiêu này phản ánh vị thế chiến lược của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng Đông Nam bộ và cả nước trong tương lai.

Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trung tâm liên kết vùng

Đồng Nai là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Đứng thứ hai là Hà Nội với mức thu nhập 6,86 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai giữ vị trí thứ ba với thu nhập bình quân 6,57 triệu đồng/người/tháng.

Vị trí “chiến lược” của Đồng Nai trong phát triển kinh tế, xã hội
Một điểm thuộc thành phố Biên Hòa nằm “gối đầu” bên dòng sông Đồng Nai thơ mộng.

Ngoài ra, với vị trí địa lý chiến lược, giao thông kết nối tốt, Đồng Nai có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm dẫn dắt liên kết vùng, kiến tạo và phát triển 3 trục kinh tế chính của khu vực Nam bộ bao gồm: vùng kinh tế Đông Nam bộ, vùng kinh tế Tây Nam bộ, trục hành lang kinh tế biển.

Nhiều năm qua, kinh tế Đồng Nai có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong tương lai. Cụ thể, quy mô GRDP của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 khoảng 9 tỷ USD, đến cuối năm 2023 đạt 10 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh luôn cao hơn bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh này hiện đạt 4.980 USD. Đồng thời, mỗi năm thu hút FDI của tỉnh đều đạt hơn 1 tỷ USD, vượt kế hoạch năm từ 20-50%/năm.

Những năm gần đây, Chính phủ, Đồng Nai đã đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh và vùng Đông Nam bộ, bởi khi hoàn thành sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế của vùng. Đầu tàu kinh tế phát triển mạnh sẽ kéo theo các vùng lân cận phát triển theo.

Tại Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ được tổ chức vào tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, vùng Đông Nam bộ đóng góp hơn 30% GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Trong thời gian tới, vùng cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Bên cạnh đó, Đông Nam bộ nên đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các lĩnh vực mới nổi như: chíp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Với mục tiêu sẽ trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ 3 của Việt Nam, hiện Đồng Nai “tăng tốc” trong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Khi Sân bay quốc tế Long Thành, Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, các đô thị xanh, trung tâm logistics, khu công nghiệp, cảng biển được kết nối và đưa vào khai thác, Đồng Nai sẽ là trung tâm phát triển kinh tế lớn của vùng, cả nước.

Nguyễn Đức Dũng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load