Thứ ba 05/11/2024 09:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Vì sao người dân vẫn gặp khó khi mua nhà ở xã hội?

22:50 | 12/09/2023

(Xây dựng) - Các quy định và yêu cầu liên quan đến hồ sơ, điều kiện, và thủ tục mua nhà ở xã hội đã khiến cho không ít người dân có nhu cầu khó tiếp cận được phân khúc này.

Vì sao người dân vẫn gặp khó khi mua nhà ở xã hội?
Nhà ở xã hội được xây dựng nhằm cung cấp cho một số đối tượng đặc biệt, được ưu tiên trong xã hội.

Tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, nhà ở xã hội được định nghĩa là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này.

Khác với nhà ở thông thường, nhà ở xã hội được xây dựng nhằm cung cấp cho một số đối tượng đặc biệt, được ưu tiên trong xã hội. Theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014, những đối tượng được mua nhà ở xã hội bao gồm 10 nhóm đối tượng.

Cụ thể, bao gồm các nhóm: Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Ngoài những đối tượng nêu trên thì các đối tượng sau cũng được ưu tiên mua nhà ở xã hội đó là: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…

Để được hỗ trợ mua nhà ở xã hội thì những đối tượng nêu trên phải đáp ứng những điều kiện như: Điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập, bao gồm: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó; Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính sách và thực tế vẫn còn khoảng cách

Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Các quy định và yêu cầu liên quan đến hồ sơ, điều kiện, và thủ tục mua nhà ở xã hội đã khiến cho không ít người có nhu cầu nhưng khó tiếp cận được phân khúc này. Điều này tạo ra nhiều rào cản và khó khăn, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp nhưng không có hộ khẩu tại nơi bán nhà ở xã hội.

Vì sao người dân vẫn gặp khó khi mua nhà ở xã hội?
Nhiều người dân “than trời” vì thủ tục mua nhà ở xã hội (Ảnh minh họa).

Anh Nguyễn Văn Vũ (Tuyên Quang) hiện đang tạm trú tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết bản thân là một công chức tỉnh ngoài tới Hà Nội sinh sống và làm việc nên rất quan tâm đến các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mới đây, anh Vũ vừa bị loại khỏi danh sách mua nhà ở xã hội trên địa bàn vì ngắt quãng thời gian tạm trú do chuyển chỗ ở.

“Tôi tạm trú tại Hà Nội từ năm 2018 đến nay nhưng bị ngắt quãng thời gian đăng ký tạm trú vì chuyển chỗ ở. Đến nay chỉ mới đăng ký tạm trú trên dữ liệu quốc gia được khoảng gần 4 tháng. Tôi cũng đã xác nhận nơi làm việc là thuộc diện thu nhập thấp, chưa có nhà ở, vợ tôi thì lúc trước làm có đóng BHXH nhưng khoảng hơn 2 năm nay nghỉ làm tự do nên không có đóng BHXH. Trường hợp của tôi thiếu điều kiện được mua nhà ở xã hội, mong là sau này chính sách có sự thay đổi để tạo điều kiện cho những trường hợp như tôi...”, anh Vũ cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Hà Thu (quê Nam Định) hiện đang sinh sống ở Hà Nội cũng không hoàn tất được thủ tục mua nhà ở xã hội vì khâu thủ tục.

Theo chia sẻ của chị Thu, mặc dù tất cả các tiêu chuẩn quy định đối tượng mua nhà ở xã hội đều đạt, tuy nhiên mẫu đơn 03 không được xác nhận. Lý do vì chị Thu đang có cùng hộ khẩu với gia đình chồng cũ đã ly hôn tại Hà Nội. Chị Thu cho biết giờ chỉ có thể xác nhận theo diện nhà ở chưa tới 10 m2/người, tuy nhiên muốn xác nhận thì phải đưa ra sổ đỏ của gia đình nhà chồng cũ để xem diện tích nhà. Chính vì vậy, chị Thu cũng đành ngậm ngùi “bỏ lỡ” đợt mua nhà ở xã hội tại một dự án vừa qua trên địa bàn.

Ngoài thủ tục phức tạp, vấn đề về tài chính cũng đang khiến cho mong muốn mua nhà ở xã hội trở nên khó khăn hơn đối với nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mặc dù được vay ưu đãi và rất mong muốn có được một căn nhà ở xã họo, tuy nhiên với nhiều gia đình có thu nhập thấp, lãi suất vay mua nhà ở xã hội 8,2%/năm vẫn rất cao và không thể đáp ứng được.

Vì sao người dân vẫn gặp khó khi mua nhà ở xã hội?
Người dân xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn.

Bên cạnh đó, trước quy định người mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại nhà trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày thanh toán hết tiền mua nhà và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều người có nhu cầu mua hoặc bán nhà ở xã hội cũng rơi vào tình trạng “người cần không có, người có không dùng”.

Anh Vũ Hoàng Anh (Cần Thơ, sinh sống và làm việc tại Hà Nội) cho biết vừa qua bản thân đang có hướng mua nhà ở xã hội của một người trước đó đã ở bán. Tuy nhiên khi tìm hiểu, anh Hoàng Anh nhận thấy quy định tối thiểu 5 năm mới được bán lại, trong khi đó chủ nhà mới mua được 2 năm.

Không chỉ anh Hoàng Anh, trên nhiều hội nhóm mạng xã hội, thông tin bán lại các căn nhà ở xã hội dù chỉ mới mua được vài năm cũng đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Nhiều chủ nhà ở xã hội đưa ra các ý kiến như viết hợp đồng mua bán riêng, lập vi bằng, thanh toán hết tiền đến khi đủ thời gian và có giấy tờ... Tuy nhiên, mua nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện ở tối thiểu 5 năm là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2015 - 2022, số lượng nhà ở trên cả nước đã được phê duyệt là 3.823 dự án, trong đó có hơn 2.500 dự án nhà ở thương mại (chiếm 66,6%), 483 dự án nhà ở xã hội (12,6%), 350 dự án tái định cư (9,15%). Nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2030 là khoảng 440.000 căn hộ, tuy nhiên đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% kế hoạch.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load