(Xây dựng) - Bình Giã ngày nay phát triển, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân ai cũng được ấm no, hạnh phúc. Nhưng trở về quá khứ, vùng đất này đã phải đổ máu, hi sinh để giữ làng, giữ nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đi qua, dân và quân nơi đây đã phải nỗ lực hết để đi lên từ mất mát, hoang tàn.
Hình ảnh Đoàn văn công Bà Rịa - Long Khánh phục vụ văn nghệ tại chiến trường Bình giã. (Ảnh: Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Cùng cả nước đánh giặc
Một ngày tháng 10, chúng tôi có mặt ở xã Bình Giã (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khi người dân và Đảng bộ nơi đang trong không khí tất bật, hân hoan cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện và 60 năm kỷ niệm chiến thắng lịch sử Bình Giã. Các công trình giao thông thi công không ngừng nghỉ, các công trình văn hóa cũng được lãnh đạo huyện chú trọng tu bổ sửa chữa.
Trong ký ức của nhiều người dân Bình Giã có mặt ở thời điểm khốc liệt của chiến tranh vẫn chưa quên được những ngày trong khoảng thời gian từ 1964 - 1965, quân và dân Bình Giã đã cùng quân và dân cả nước kiên cường chống lại sức mạnh quân sự vượt trội của quân địch. Nhưng với tinh thần, ý chí quật cường, cuối cùng quân địch đã phải nhận thất bại nặng nề.
Nói về dân và quân trên địa bàn huyện Châu Đức trong chiến thắng lịch sử Bình Giã, lãnh đạo huyện tự hào rằng: Trước, trong và sau chiến dịch Bình Giã, nhân dân Châu Đức đã đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên chiến thắng. Ngoài những đơn vị chủ lực bộ đội địa phương trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận, huyện Châu Đức còn đóng góp to lớn trong công tác binh vận và hậu cần phục vụ cho chiến dịch.
Quân và dân hai xã Châu Thành và Đức Thạnh đã cùng các lực lượng của tỉnh huy động và tổ chức thu mua được gần 500.000 lít gạo và một khối lượng lớn thực phẩm, thuốc men đủ cho bộ đội (7.500 người) sử dụng trong suốt chiến dịch. Nhiều gia đình đã dốc hết thóc gạo ủng hộ bộ đội.
Hình ảnh các chiến sĩ vận chuyển khí tài phục vụ chiến dịch Bình Giã được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Đồng bào dân tộc ngày đêm khẩn trương đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho bộ đội ém quân. Còn du kích các xã, dân công hỏa tuyến thì ngày đêm làm nhiệm vụ dẫn đường, tiếp lương, tải đạn, khiêng cáng thương binh, chôn cất liệt sĩ.
Hình ảnh đoàn dân công tải đạn và lương thực phục vụ cho chiến dịch Bình Giã được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Riêng các má, các chị ở Ngãi Giao, Xuân Sơn lo từng nắm cơm, chiếc bánh mang đến tận chiến hào cho bộ đội… Nhiều người con quê hương Châu Đức đã anh dũng hy sinh một phần xương máu của mình bỏ lại nơi chiến trường, làm nên chiến thắng vang dội, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, làm nên Mùa Xuân 1975 lịch sử.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhờ nguồn” ngàn đời của dân tộc
Để ghi dấu chiến công vang dội ấy, ngày 17/10/1996, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất cho chủ trương, lập phương án và tiến hành xây dựng tượng đài Chiến thắng Bình Giã nằm sát bên Quốc lộ 56, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức.
Tượng đài chiến thắng Bình Giã nhìn tử trên cao. (Ảnh: Xuân An) |
Có mặt ở công viên tượng đài chiến thắng những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều công nhân, thợ đang tất bật tiến hành sửa chữa, tu bổ các hạng mục tại công trình.
Một người đàn ông đang tưới nước, làm ướt đất cho một hạng mục chưa hoàn thành cho biết, nhân ngày kỷ niệm 60 năm thành lập tượng đài nên làm thêm bồn hoa. “Tôi làm ở đây hơn 20 năm rồi, từ ngày mới khánh thành tượng đài. Tôi yêu nơi đây, không chỉ vì công việc mà còn như một nghĩa cử cao đẹp để mình tưởng nhớ những người đã ngã xuống”, ông tự hào cho biết.
Người đàn ông đang tiến hành làm bồn hoa mới tại công viên tượng đài. (Ảnh: Xuân An) |
Ngoài việc xây dựng Tượng đài Chiến thắng Bình Giã, UBND huyện Châu Đức cũng đã xây dựng Đền thờ liệt sĩ huyện trong khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Bình Giã; xây dựng Bia tưởng niệm chiến thắng Bình Giã tại ngã ba Bình Giã, ngã ba Quảng Giao và Bia khoanh vùng tại ngã ba Sông Cầu.
Hiện nay, UBND huyện đang đề xuất UBND tỉnh phê duyệt dự án “Cải tạo, mở rộng Tượng đài chiến thắng Bình Giã”. Ngoài ra, hàng năm, UBND huyện cũng tiến hành công tác trùng tu, tôn tạo tượng đài chiến thắng Bình Giã và đền thờ liệt sỹ hiện hữu.
Ngày nay, để phát huy truyền thống ngàn đời của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; lãnh đạo huyện Châu Đức cho biết, trong suốt thời gian qua bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng thì cũng luôn tập trung chú trọng các hoạt động tưởng nhớ và tri ân các chiến sĩ đã tham gia chiến thắng Bình Giã và xem công tác người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.
Toàn cảnh tượng đài chiến thắng Bình Giã. (Ảnh: Xuân An) |
Hàng năm, nhân các dịp lễ, tết đoàn lãnh đạo huyện cũng tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Đối với các trường hợp đối tượng ốm đau, bệnh thường xuyên được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, huyện. Công tác rà soát, hỗ trợ người có công và thân nhân liệt sĩ cải thiện nhà ở được thực hiện hàng năm (mỗi năm xét duyệt từ 01 đến 02 lần). Đồng thời, hàng năm huyện đều rà soát và thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách.
Trong thời gian tới, đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã, ngoài các hoạt động chăm lo của tỉnh, huyện sẽ tập trung thực hiện các nội dung như: Tổ chức thăm đơn vị trực tiếp tham gia trận chiến Bình Giã và Ban Liên lạc Cựu chiến binh, Trung đoàn Q761 và Q762, nay là Trung đoàn Bình Giã, Trung đoàn Đồng Xoài, Sư đoàn 9. Tổ chức thăm và tặng quà gia đình và các cá nhân trực tiếp tham gia chiến dịch Bình Giã hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện.
Dự kiến, trong tháng 12/2024, huyện Châu Đức sẽ tiến hành tổ chức họp mặt kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã, lồng ghép với họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Xuân An
Theo