(Xây dựng) - Vụ vải thiều năm 2020 tại Bắc Giang đã cơ bản khép lại với một kết quả không thể mỹ mãn hơn: Giá cả ổn định, tiêu thụ tương đối thuận lợi và đặc biệt còn mở ra nhiều chân trời mới cho vải thiều vươn xa. Đánh dấu những cách làm hay, sáng tạo trong giai đoạn khó khăn nhất của toàn thế giới thời gian qua.
Người dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều VietGap. |
Vượt lên khó khăn
Vụ vải thiều năm 2020 bắt đầu bằng những dấu hiệu tiêu cực chưa từng có trên thế giới và tại Việt Nam. Dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm, khả năng xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Trung Quốc, thị trường tiềm năng của vải thiều Bắc Giang, thường xuyên tiêu thụ hơn 60% sản lượng hàng năm bỗng trở nên xa vời như một thị trường mới lạ. Các thị trường ngoại khác như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Singapore… cũng càng khó tiếp cận hơn. Thị trường nội địa cũng khó khi người dân còn bận đối phó với Covid-19 hơn là thỏa mãn các nhu cầu cá nhân.
Đứng trước tình hình đó, tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều với nhiều kịch bản khác nhau, tập trung mạnh vào thị trường nội địa đồng thời tăng cường quảng bá quả vải thiều, quy trình chăm sóc, bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã quả vải thiều.
Xuất khẩu vẫn được ưu tiên với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất, bảo đảm nhất để các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam để thu mua vải thiều. Các phương án được tính toán rất kĩ để vừa bảo đảm yêu cầu của hoạt động thương mại, vừa bảo đảm được các yếu tố về y tế, dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: “Tỉnh sẽ tạo điều kiện hết sức để các thương nhân Trung Quốc được đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều”. Quả thật, Bắc Giang đã tổ chức chu đáo khâu chuẩn bị các điều kiện về phòng bệnh, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn nơi đón các thương nhân Trung Quốc được phun khử khuẩn thường xuyên. Song song với đó, tỉnh cũng đã thực hiện việc xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ về việc cho thương nhân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam khi cả nước trong giai đoạn “bế quan tỏa cảng”, hạn chế nhập cảnh đối với bất kỳ khách nước ngoài nào. Đồng thời, Bắc Giang cho xe đến tận cửa khẩu để đón các thương nhân vừa bảo đảm sự hiếu khách của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi đón thương nhân nước bạn vừa bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh phòng dịch. Hơn 300 thương nhân Trung Quốc đã được sang Việt Nam để thu mua vải thiều là một nỗ lực lớn của tỉnh trong việc thúc đẩy tiêu thụ vải thiều năm 2020.
Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều Việt Nam “bước chân” được vào thị trường rất khó tính là Nhật Bản. Để đạt được điều kiện này, vải thiều phải đáp ứng được các điều kiện như có mã số vùng trồng, canh tác đúng quy trình mà Nhật yêu cầu, chiếu xạ, truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, chuyên gia Nhật sẽ đến trực tiếp kiểm tra vùng trồng vải thiều ngay từ khi trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch, bảo quản, sơ chế ở tại đúng vườn vải mà họ xác nhận từ đầu mới được xuất khẩu sang Nhật Bản. Thời điểm thu hoạch lại đúng vào thời điểm dịch Covid-19, đã khiến cho chuyên gia không thể dễ dàng tới Việt Nam được. Chính vì vậy, Việt Nam đã phải bố trí một chuyên cơ vận chuyển riêng cho các chuyên gia của Nhật Bản, quá trình này đã cho thấy sự cầu thị của Việt Nam trong việc xuất khẩu trái cây vào Nhật. Với việc hơn 2 tấn vải thiều được xuất sang Nhật và tiêu thụ hết ngay trong vòng vài giờ với giá gần nửa triệu đồng/kg, gần gấp 10 lần so với giá tại vườn đã khẳng định một đẳng cấp khác của quả vải thiều Bắc Giang.
Một vụ vải thiều thành công
Lần đầu tiên, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang mở một Hội nghị xúc tiến tiêu thụ cho vải thiều trực tuyến với số lượng các đầu cầu lớn chưa từng có: 63 đầu cầu trong nước và 5 đầu cầu từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp, chính quyền địa phương Trung Quốc đã đánh giá rất cao hoạt động. Điều mà chỉ có thể làm được trong đại dịch Covid-19 nhưng đã mở ra những cơ hội mới trong xúc tiến thương mại quốc tế.
Thương nhân Trung Quốc thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. |
Năm nay, tổng sản lượng vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang đạt gần 165 nghìn tấn, tăng 15 nghìn tấn so với vụ trước. Chất lượng quả vải được đánh giá cao, ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp.
Tuy nhiên, không còn lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá”, vải thiều năm nay đã được tiêu thụ khá thuận lợi. Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 164,7 nghìn tấn vải. Trong đó, Lục Ngạn 93,2 nghìn tấn; Lục Nam 33,1 nghìn tấn; Tân Yên 16 nghìn tấn; Yên Thế 8,6 nghìn tấn; Lạng Giang 6 nghìn tấn và Sơn Động 5,4 nghìn tấn… Thị trường tiêu thụ có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, đó là tăng thị phần trong nước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%, thị trường xuất khẩu 47,5%.
Giá bán vải thiều năm nay cao gần bằng năm trước, với mức bình quân đạt 31,2 nghìn đồng/kg nhưng bù lại sản lượng tăng. Vì thế, tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019. Trong đó, thu từ vải thiều đạt khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng; thu từ dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng.
Như vậy có thể đánh giá, đây là một năm thành công của vải thiều Bắc Giang trên cả phương diện đầu tư, chăm sóc, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới cho đến nỗ lực của chính quyền và người dân, thương nhân trong việc tiêu thụ vải thiều. Nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu dùng toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng cho việc phát triển bền vững vải thiều và các loại trái cây đặc sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Chương Huyền
Theo