(Xây dựng) – Đó là chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đối với Hội đồng thành viên Tận đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan đến những phản ánh, kiến nghị của nhà thầu đối với việc tổ chức đấu thầu gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu PVN khẩn trương xem xét kiến nghị của nhà đầu tư tại gói thầu EPC nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4. |
Cụ thể, ngày 05/8/2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có Văn bản số 1323/UBQLV-PCKS gửi PVN. Nội dung công văn cho biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận được văn bản đề ngày 22/7/2021 của nhà thầu Mitsubishi Power liên quan hoạt động đấu thầu tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Văn bản số 5112/BKHĐT-QLĐT ngày 04/8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phản ánh, kiến nghị của nhà thầu Simens Energy đối với gói thầu dự án Nhơn Trạch 3 – 4.
Sau khi nghiên cứu các văn bản nêu trên và tiếp theo Văn bản số 1240/UBQLV-PCKS ngày 28/7/2021, Ủy ban chuyển văn bản của nhà thầu Mitsubishi Power nêu trên đến PVN. Yêu cầu Hội đồng thành viên PVN: Khẩn trương xem xét, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của các nhà thầu theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành; Chỉ đạo Người đại diện phần vốn tại PV Power tổ chức rà soát, kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp bảo đảm hiệu quả dự án, công khai, minh bạch, cạnh tranh, đúng quy định; Chịu trách nhiệm tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động đấu thầu của PV Power và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) đúng theo quy định của pháp luật.
Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh, gói thầu EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 do PV Power làm Chủ đầu tư hiện đang “lùm xùm” với hàng loạt đơn thư kiến nghị từ các công ty lớn trên thế giới. Đại sứ quán một số nước gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đề nghị xem xét cách tổ chức đấu thầu sao cho công bằng, minh bạch… bởi các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu đang khiến các doanh lớn trên sẽ sớm bị loại do không đáp ứng được.
Đến nay có 16 nhà thầu trong nước và quốc tế quan tâm đến dự án này. Nhưng điều đáng nói là các yêu cầu trong hồ sơ thầu được đưa ra chỉ có duy nhất 1 công ty đảm bảo được yêu cầu, khiến dư luận băn khoăn về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả của dự án. Rất có thể bài thầu đã được một nhóm lợi ích nào đó âm thầm tính toán từ trước?.
Thực tế, nếu chủ đầu tư không có sự thay đổi theo kiến nghị của 1 loạt các công ty lớn như Mitsubishi Power, Simens Energy, Huyndai, Đại sứ quán Nhật, Đại sứ quán Đức… thì chắc chắn kết quả của cuộc đấu thầu sẽ được biết trước, vì chỉ còn 1 công ty duy nhất có đủ điều kiện tham gia.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Nam Nhi
Theo