(Xây dựng) - Ngày 6/12, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Theo báo cáo, năm 2014, Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Năm 2024, nhận thức được rõ những thách thức, khó khăn của tình hình thế giới và trong nước; thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác năm 2024, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng Công ty đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2024.
Theo đó, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng Công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng Công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước…
Nhờ đó, bước đầu thực hiện có kết quả định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Hoàn thành xử lý hầu hết 259 công việc thuộc trách nhiệm các bộ còn xử lý dở dang, tồn đọng qua nhiều thời kỳ sau khi tiếp nhận doanh nghiệp.
Hoạt động của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty sau 5 năm chuyển về Ủy ban phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hàng năm; tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển. Mặc dù khó khăn trong gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Về tình hình tài chính hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng Công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, doanh thu ước đạt 2.030.572 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ.
Về tình hình đầu tư phát triển, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2023;
Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 Tập đoàn, Tổng Công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Tổng nộp NSNN giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu NSNN hàng năm của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc biểu dương và đánh giá cao công tác quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban trong năm 2024. “Qua báo cáo tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 cho thấy Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trong năm 2024 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty, đặc biệt là các Bộ, ngành liên quan đã có sự giúp đỡ, phối hợp để Ủy ban hoàn thành nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu.
Ghi nhận và dẫn chứng một số đơn vị có sự tăng trưởng rất cao như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)… đã có những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, có mức tăng trưởng rất cao về doanh thu và lợi nhuận.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Đến nay, công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực với việc vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các kết luận về định hướng, nguyên tắc, trình tự xử lý đối với 4 dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2); Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM); Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)... Ủy ban và các doanh nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ, có báo cáo trình Chính phủ và Bộ Chính trị về các dự án này.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Ủy ban đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty trong thi công và hoàn thành một số dự án trọng điểm của quốc gia, tiêu biểu như: Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối. Các dự án đầu tư xây dựng: Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng Công ty bám sát chỉ đạo.
“Đây là nét sáng tạo mới và thể hiện sự nỗ lực rất quan trọng. Thay mặt cho lãnh đạo Chính phủ, tôi xin nhiệt liệt biểu dương thành tích của Ủy ban Quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng Công ty”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, qua báo cáo tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 cho thấy Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trong năm 2024 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty, đặc biệt là các Bộ, ngành liên quan đã có sự giúp đỡ, phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với những thành tựu, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý vốn Nhà nước để có biện pháp tháo gỡ.
Cụ thể, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng Công ty cần tập tháo gỡ, tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành luật, sửa đổi toàn diện và thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, từ đó, nâng cao được công tác quản lý vốn đầu tư và để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động trong sử dụng vốn đầu tư như vậy mới tăng sự cạnh tranh trong xu thế mới.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh sự cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 Bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ để tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, thời gian tới, Ủy ban cần phối hợp với các Bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng Công ty để có phương án sắp xếp đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng Công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư…; tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp Nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.
Đồng tình và thống nhất cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” trong giai đoạn quan trọng phát triển đất nước để bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, Ủy ban sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng Công ty về các Bộ, cơ quan liên quan theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong những năm qua; đồng thời, tri ân những nỗ lực, tâm huyết của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty đã đóng góp vào sự phát triển chung của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Kim Oanh
Theo