Thứ năm 12/12/2024 07:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nguy cơ thiếu nước ở lưu vực sông Hồng-Thái Bình:

Ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống

14:58 | 26/11/2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương trong lưu vực sông Hồng-Thái Bình cần lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống
Cây Nhật Tân bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Ttrong đó dự báo xu thế mưa, dòng chảy tại nhiều sông trong mùa cạn (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025) giảm song nhu cầu sử dụng nước của các ngành lớn, nên nhiều địa phương ở trong lưu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong lưu vực cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên trên nguyên tắc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông trong mọi tình huống.

Dòng chảy tại nhiều sông nguy cơ thiếu hụt

Thông tin về kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết hiện tại hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nghiêng dần về pha lạnh và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 50-55%. Trạng thái La Nina duy trì đến các tháng đầu năm 2025, sau đó có khả năng suy yếu dần, chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất từ 55-70% (từ khoảng tháng 3-5/2025).

Nhiệt độ từ 12/2024 đến tháng 5/2025 phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; các tháng còn lại phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng có khả năng xuất hiện tại các tỉnh phía Tây Bắc Bộ từ cuối tháng Hai đầu tháng Ba và gia tăng từ khoảng tháng 3-4/2025 tại khu vực Tây Bắc, Đông Bắc. Sau đó nắng nóng tiếp tục gia tăng hơn về cường độ và tần suất trong các tháng chính Hè. Cường độ nắng nóng khả năng tương đương trung bình nhiều năm.

Trong điều kiện khí hậu trên, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Đà, Lô - Gâm, Thao, Cầu - Thương và khu vực đồng bằng sông Hồng trong tháng 12/2024 dự báo phổ biến từ 10-35mm (thấp hơn từ 5-10mm so với trung bình nhiều năm); các tháng 1-2/2025 phổ biến từ 15-40mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).

Dòng chảy các tháng mùa cạn trên các sông Đà, Thao, Cầu có xu hướng thiếu hụt trong thời gian từ cuối tháng 11 đến tháng 1/2025 từ 10-40% (trừ hồ Hòa Bình). Từ tháng 2-5/2025, dòng chảy trên sông Đà, sông Thao, sông Cầu có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30% và xấp xỉ trung bình giai đoạn 2020-2024.

Trên sông Lô, dòng chảy các tháng mùa cạn cũng có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm trong thời gian từ cuối tháng 11/2024 đến tháng 1/2025 khoảng 10-40%; từ tháng 2-5/2025 có khả năng thiếu hụt so từ 10-30%. Trên sông Hồng, dòng chảy tại trạm thủy văn Sơn Tây, Hà Nội cũng có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-25% trong các tháng 2-5/2025.

Trong khi đó, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025 lớn, dự kiến vào khoảng 9,71 tỷ m3 (nước dưới đất khoảng 7,2%, nước mặt khoảng 92,8%).

Trong đó nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành ở lưu vực sông Đà khoảng 0,81 tỷ m3, sông Thao khoảng 0,67 tỷ m3, lưu vực Cầu - Thương khoảng 1,58 tỷ m3, lưu vực Lô - Gâm khoảng 1,02 tỷ m3, đồng bằng sông Hồng khoảng 5,63 tỷ m3.

Nguy cơ không đáp ứng đủ nước cho hạ du

Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông cơ bản ở “trạng thái bình thường.” Lượng nước vẫn có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, và các ngành kinh tế…

Ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống
Hồ chứa thủy điện. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố kịch bản không phải là dồi dào nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Trong đó, một số tiểu vùng, tiểu lưu vực, một số xã, huyện thuộc các tỉnh (như Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Giang) có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ và nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.

Đối với việc sử dụng nguồn nước trong thời kỳ đổ ải (từ tháng 1-2/2025) và sau thời kỳ đổ ải (từ tháng 3-6/2025), mặc dù nguồn nước ở trạng thái bình thường. Tuy nhiên nếu lượng nước xả từ các hồ chứa phục vụ đổ ải lớn và nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao (so với dự kiến lên mức tương đương trung bình giai đoạn 2015-2024) hoặc trong các tháng (từ tháng 4-6/2025) có nguy cơ xảy ra nắng nóng và xảy ra thiếu hụt các nguồn điện khác thì nguồn nước của 7 hồ chứa thủy điện ở lưu vực có nguy cơ không đáp ứng đầy đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du.

Cũng trong kỳ dự báo trên, một số vùng, tiểu lưu vực có nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước mang tính cục bộ. Bên cạnh nguyên nhân thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy thì nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc thiếu nước các khu vực này ảnh hưởng chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước hiệu quả

Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, cần chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn; để bảo đảm sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, bảo đảm an ninh lương thực và bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện; dự phòng trường hợp xảy ra nắng nóng diện rộng trong thời gian từ tháng 4-6/2025 và giảm thiểu rủi ro nguy cơ thiếu hụt nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện trong bối cảnh tình hình cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc và Quốc gia trong các năm tới gặp nhiều khó khăn.

Ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống
Ảnh minh họa.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao khả năng đảm bảo nước cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, hạn chế thất thoát, lãng phí nước; nghiên cứu, đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước đối với các vùng có nguy cơ xảy ra thiếu nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp do thiếu hạ tầng, thiếu công trình điều tiết, tích trữ nước.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục, ổn định, an toàn cho nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương xây dựng, đưa các nhà máy nước mặt, mạng lưới cấp nước vào hoạt động theo đúng tiến độ và lộ trình; khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô, công suất và lộ trình điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nước (nếu cần thiết) trong trường hợp các nhà máy nước mặt, mạng lưới cấp nước không đảm bảo tiến độ để cấp nước liên tục, ổn định cho nhân dân.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load