Thứ hai 25/11/2024 21:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất 12 chính sách đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4

19:05 | 25/11/2024

(Xây dựng) - Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất 12 cơ chế đặc thù để triển khai dự án này.

Thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất 12 chính sách đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4
Quy hoạch đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở thực tiễn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc trong thời gian vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương kiến nghị một số cơ chế chính sách đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư dự án, phạm vi áp dụng các cơ chế đặc thù cho toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cả đoạn qua tỉnh Bình Dương. Cụ thể, các chính sách được đề xuất như sau:

Chính sách 1: Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án trong tổng mức đầu tư của dự án tổng thể và trên tổng mức đầu tư của các dự án thành phần trên địa phận của từng địa phương không vượt quá 70%. Chính sách này nhằm tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia thực hiện dự án, tham khảo cơ chế đã được áp dụng và thực hiện có hiệu quả tại các dự án quan trọng quốc gia.

Chính sách 2: Giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án thành phần đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Chính sách này để tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, khơi thông nguồn lực từ các Trung ương đến địa phương.

Chính sách 3: Giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư công trình nằm trên địa giới hành chính của địa phương giáp ranh, được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương. Chính sách này nhằm tiết kiệm thời gian trong tổ chức thực hiện đầu tư dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính sách 4: Cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án (bao gồm khu tái định cư), các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chính sách 5: Trong thời gian thực hiện dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án Vành đai 4.

Chính sách 6: Về trình tự, thủ tục lập, tổ chức thẩm định và thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi các dự án thành phần cần phải điều chỉnh.

Chính sách 7: Giao Chủ tịch UBND các tỉnh thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần.

Chính sách 8: Cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh của từng địa phương được chuyển tiếp Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương.

Chính sách 9: Cho phép UBND các tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính sách 10: Các cầu trong đô thị thuộc dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh từ cấp II trở lên, nút giao thông không thuộc đối tượng phải thi tuyển phương án kiến trúc. Chính sách này để đảm bảo phù hợp với tính chất các yếu tố về công năng cũng như thẩm mỹ phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội cũng như tiến độ của dự án.

Chính sách 11: Về định mức, khoản mục chi phí. Chính sách này để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án như nêu trên và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính sách 12: Cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án đầu tư được phê duyệt đối với các gói thầu: cung cấp dịch vụ tư vấn; phi tư vấn; hàng hóa; xây lắp phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều chỉnh quy hoạch; tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công xây dựng công trình.

Theo Tờ trình của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hoàn thiện sẽ tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường hình thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai, góp phần hình thành tuyến Vành đai công nghiệp, đô thị, logistics…

Dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Đây là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 122.774 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), có sự tham gia của nguồn vốn Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương), phần còn lại là nguồn vốn của nhà đầu tư.

Viết Dũng

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load