Thứ bảy 14/12/2024 10:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Sửa Luật PPP, mở dòng chảy vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông

18:19 | 25/11/2024

(Xây dựng) - Sửa Luật PPP để gỡ “điểm nghẽn” pháp lý tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã đưa vào khai thác vận hành, thúc đẩy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư PPP đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt.

Sửa Luật PPP, mở dòng chảy vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông
Ảnh minh họa.

Cần tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp lý

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải, tính đến trước thời điểm Luật PPP ban hành (năm 2020), cả nước đã huy động gần 319.000 tỷ đồng đầu tư 140 dự án giao thông theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT.

Các dự án PPP đưa vào khai thác góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng, với trọng tâm là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng giao thông.

Dù vậy, sau khi Luật PPP chính thức có hiệu lực vào năm 2021, số lượng dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức này có xu hướng giảm. Tình trạng này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cần sửa đổi Luật PPP để tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các nhà đầu tư.

Dự án sửa đổi Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. Trong dự thảo trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra giải pháp đối với các dự án phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho các dự án PPP đã đưa vào khai thác nhưng gặp khó khăn tài chính hay các điều kiện chuyển tiếp trong quá trình áp dụng Luật vẫn chưa được quan tâm đưa vào dự thảo Luật dù đã được nhiều Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kiến nghị.

Một số ý kiến lý giải việc chậm đưa các giải pháp là do Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, việc bổ sung các nội dung trên là không có cơ sở pháp lý, cần lập đề án trình lên cấp có thẩm quyền, song lại không xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết.

Việc chậm trễ trong xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” đã đẩy nhiều dự án PPP vào tình trạng bế tắc. Điều này khiến phương thức đầu tư công dần trở thành lựa chọn gần như duy nhất cho các chủ đầu tư, không chỉ làm chậm tiến độ phát triển hạ tầng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư tư nhân, đi ngược lại tinh thần hợp tác công - tư mà Luật PPP hướng tới.

Ngày 7/11, trong buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư yêu cầu chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải thực sự sống động, thể chế hoá đúng đắn, kịp thời chủ trường của Đảng, bám sát giải quyết vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại.

Đồng thời, phải đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả; đánh giá mức độ chính sách, thực chất và không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế quy định pháp luật.

Cũng tại buổi làm việc này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia đấu thầu các công trình Nhà nước có chất lượng thi công kém, làm chậm tiến độ phát triển hạ tầng.

Để xử lý các vướng mắc dự án BOT đã đưa vào khai thác

Là một trong những Dự án cao tốc trọng điểm đầu tiên tại vùng núi Đông Bắc của đất nước, sau 5 năm đi vào khai thác, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn ghi nhận doanh thu thu phí chỉ đạt 32% phương án tài chính ban đầu, dẫn đến thâm hụt dòng tiền hoàn vốn của Dự án vì những nguyên nhân khách quan không xuất phát từ nhà đầu tư.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp với việc tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (đoạn Km 1+800 - Km 106+500) theo hình thức hợp đồng BOT, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc xem xét khả năng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án BOT đang khai thác, trong bối cảnh sửa đổi Luật PPP. Cũng liên quan dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa nội dung này vào dự thảo Luật PPP sửa đổi để trình Quốc hội xem xét. Mục tiêu là tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ một số dự án theo hình thức hợp đồng BOT.

Ngoài ra, giao Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng để xây dựng báo cáo trình Chủ tịch Quốc hội về nội dung này, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Về mức độ hỗ trợ, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tính toán và xác định cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí nguồn lực nhưng vẫn hỗ trợ hiệu quả cho các dự án, góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông.

Tại buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lên tiếng về vướng mắc thực tế tại dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, xác định Luật là để gỡ vướng, thúc đẩy phát triển chung của đất nước. Cũng trong chuyến này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc rút ngắn quy trình, giảm bớt rào cản không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu, việc đầu tư các dự án theo phương thức PPP không chỉ tiết kiệm Ngân sách Nhà nước để đầu tư cho những dự án khác mà còn không phải bỏ ra chi phí, thời gian và nhân lực trong vận hành, duy tu bảo dưỡng các công trình khi đi vào khai thác.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) khẳng định, nếu những bất cập trong Luật PPP hiện hành không được giải quyết triệt để, các cam kết đồng hành của lãnh đạo Nhà nước với các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia đầu tư, tháo gỡ những dự án khó khăn, đình trệ sẽ trở nên mất ý nghĩa. Một số doanh nghiệp đã quyết tâm vừa làm vừa tháo gỡ mà không khiếu kiện, đặt niềm tin vào việc hệ thống pháp luật sẽ dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, đến nay, thực trạng "đâu vẫn vào đấy" khiến kỳ vọng này chưa được đáp ứng.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Nhiều dự án lẽ ra có thể triển khai theo hình thức PPP lại bị chuyển sang đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực và đi ngược lại mục tiêu thu hút đầu tư xã hội hóa.

“Pháp luật của chúng ta đang nặng tư duy “quản là chính” thay vì mang tính kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển. Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, nội dung Luật PPP chưa đảm bảo được sự công bằng giữa các chủ thể tham gia là cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư bình đẳng đúng bản chất “đối tác”", ông Chủng chỉ ra và cho biết điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến các mâu thuẫn tiềm ẩn trở thành rào cản đối với sự thành công của các dự án.

Phát biểu tại nghị trường 6/11, Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nhận định một số nội dung sửa đổi được các nhà đầu tư rất quan tâm, trong đó bao gồm bổ sung nguồn vốn Nhà nước để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP.

Theo vị đại biểu này: “Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hỗ trợ vốn Nhà nước đối với các dự án PPP được ký kết trước thời điểm Luật có hiệu lực trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và bên cho vay khi áp dụng trong những trường hợp này”.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, đối với những dự án BOT đang vận hành đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan, không xuất phát từ nhà đầu tư, cần có các giải pháp hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan. “Đề nghị cơ quan soạn thảo Luật cân nhắc và xem xét kỹ hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của phương thức đầu tư PPP,” Đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Lưu Bá Mạc nhận định cần điều chỉnh cơ chế chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu như quy định tại điều 82 của Luật PPP hiện hành, nhằm áp dụng với các dự án BOT đã ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Điều này giúp xử lý linh hoạt các hợp đồng cũ, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên và phù hợp với thay đổi pháp lý mới.

Phương Nghi

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hưng Yên: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

  • Bình Dương: Hành trình 28 năm và hướng tới tương lai

    (Xây dựng) - Bình Dương đã trải qua một chặng đường phát triển ấn tượng trong 28 năm qua, vươn mình từ một địa phương còn nhiều khó khăn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội năng động bậc nhất cả nước. Sự thành công này là kết quả của nhiều yếu tố, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền tỉnh, đến sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp và sự đồng lòng, chung sức của người dân.

  • Cần Thơ: Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp phát triển

    (Xây dựng) - Sáng 13/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.

  • Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc): Thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 2.825 tỷ đồng

    (Xây dựng) - Năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, thành phố Vĩnh Yên đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và các chỉ tiêu, nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy giao.

  • Hải Dương: Giải ngân vốn đầu tư công vượt cao so với kế hoạch

    (Xây dựng) – Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trở thành một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế Hải Dương.

  • Ký kết hợp đồng Gói thầu EPC của dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo

    (Xây dựng) - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 - Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (Liên danh PC1 – PECC4) đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng Gói thầu HH01-DZCĐ: Thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng đoạn cáp ngầm biển (EPC) thuộc Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load