Thứ sáu 26/04/2024 02:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ứng xử với phố cà phê đường tàu

19:27 | 17/09/2022

Phố cà phê đường tàu ở Hà Nội đã trở thành địa danh được nhiều du khách nước ngoài biết đến. Đây là điều không dễ có được.

Hà Nội đang triển khai "dẹp" phố cà phê đường tàu. Trong 3 ngày từ 15/9 đến 17/9, quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt.

Lực lượng chức năng cũng tổ chức rào chắn, tuyên truyền vận động dưới nhiều hình thức để người dân, đặc biệt là du khách không đến "check-in" gây mất an toàn giao thông ở khu vực này.

Đây là động thái cần thiết trên cơ sở quy định pháp luật và để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Việc này không có gì cần bàn cãi và không thể làm khác.

ung xu voi pho ca phe duong tau
Trong 3 ngày, từ 15-17/9, các quán ở xóm cà phê đường tàu vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ phải đóng cửa; bên cạnh đó lực lượng chức năng đã chia ca trực, dựng hàng rào tuyên truyền cho người dân và du khách không vào khu vực này "check-in". (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong nhiều năm qua đã không ít lần phố cà phê đường tàu bị "dẹp", song ít lâu sau tình trạng du khách đến trải nghiệm nhộn nhịp ở khu vực này lại tái diễn. Và lực lượng chức năng lại ra quân.

Thực tế trên đặt ra vấn đề cần có giải pháp căn cơ và lâu dài cho phố cà phê đường tàu. Trong đó, trước mắt, vấn đề ưu tiên là thực hiện nghiêm quy định pháp luật, không thể đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào.

Về lâu dài, như chính ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đã nói là chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án gắn với tuyến đường sắt này nhằm hình thành điểm đến thu hút du khách, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân và du khách.

"Sau khi có phương án thống nhất, chúng tôi hi vọng bà con tiếp tục được kinh doanh, và khu đường tàu này sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch đặc trưng của Hà Nội", ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) trả lời phóng viên báo Dân trí.

Ở đây có hai vấn đề. Một mặt pháp luật về an toàn giao thông cần phải được tôn trọng và tuân thủ. Mặt khác, cấm đoán là biện pháp dễ, điều khó hơn là các đơn vị liên quan cùng nghiên cứu, xem xét liệu có thể đưa phố cà phê đường tàu thành một sản phẩm du lịch mà vẫn đảm bảo an toàn hay không? Việc này khó, song điều xã hội cần ở các nhà quản lý chính là giải quyết các bài toán khó.

Cần thấy rằng, phố cà phê đường tàu đã trở thành địa danh được đông đảo bạn trẻ trong nước và nhất là nhiều du khách nước ngoài biết đến. Đây là điều không dễ có được. Từ năm 2019, một du khách khi chia sẻ câu chuyện thú vị của mình về trải nghiệm xóm cà phê đường tàu tại Hà Nội trên mạng xã hội đã nhận về gần 450.000 lượt thích và rất nhiều bình luận. Sau đó, trải nghiệm của du khách này được Tạp chí du lịch danh tiếng National Geographic Traveler đăng tải. Nhờ vậy, nhiều du khách trên thế giới mới biết đến xóm cà phê đường tàu và mỗi lần đến Hà Nội đều ghé qua "check-in".

Với người dân ở xóm đường tàu, từ những công việc như đạp xích lô, chở hàng..., họ chuyển qua bán nước giải khát cho khách du lịch. Điểm "check-in" này dần trở nên nhộn nhịp dù vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt như chúng ta đã biết.

Hiện nay cộng đồng mạng đang bàn tán sôi nổi về "số phận" phố cà phê đường tàu. Bên cạnh các ý kiến thống nhất cần đóng cửa khu vực này, cũng có nhiều góp ý, đề xuất được đưa ra theo hướng cân nhắc duy trì dãy phố như một sản phẩm du lịch thú vị của Hà Nội.

Nhóm ý kiến có nguyện vọng giữ lại phố cà phê đường tàu cho rằng có thể tổ chức giao thông đường sắt qua khu vực này sao cho tàu dừng ở ga Long Biên là chủ yếu, tàu từ phía Bắc vào ga Hà Nội và ngược lại phải duy trì ở tần suất và tốc độ rất thấp, đi kèm với biện pháp cảnh báo trước. Các quán cà phê phải hoạt động theo khung giờ cụ thể và tuân thủ quy định về an toàn đường sắt; địa phương xây dựng quy chế quản lý phù hợp và hiệu quả… Nhóm ý kiến này còn dẫn ra ở Thái Lan có khu chợ đường sắt Maeklong nổi tiếng là mô hình mà Hà Nội có thể tham khảo.

Chưa rõ "hình hài" đề án lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đề cập ở trên sẽ như thế nào. Dù phương án nào được đưa ra, thiết nghĩ vẫn phải trên cơ sở quy định pháp luật và yếu tố an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Theo Nguyễn Dương/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load