Thứ bảy 21/12/2024 23:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ứng phó với thay đổi trong chính sách điều tra chống bán phá giá

15:37 | 01/06/2020

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội triển khai các biện pháp xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

ung pho voi thay doi trong chinh sach dieu tra chong ban pha gia
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy thép Việt-Trung. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại là các chính sách được đưa ra với mục đích chính là bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, các biện pháp này được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia.

Các biện pháp phòng vệ thương mại có thể được áp dụng dưới một trong ba hình thức gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Đáng lưu ý, trong số các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá là công cụ được các thành viên sử dụng nhiều nhất, chiếm tỷ lệ trên 90%.

Thống kê của WTO cho thấy, bên cạnh việc thực thi các hoạt động điều tra chống bán phá giá với tần suất cao khoảng 200 vụ/năm, các thành viên WTO cũng thường xuyên thay đổi pháp luật, điều chỉnh chính sách trong nước, cập nhật thực tiễn điều tra từ nước khác nhằm đa dạng hóa cách tính toán biên độ bán phá giá, từ đó tạo cơ sở đưa ra các quyết định chính sách khác nhau.

Một trong số những thay đổi đó chính là việc sử dụng quy định tại ADA về tình hình thị trường đặc biệt (viết tắt là PMS).

Theo lý giải của Bộ Công Thương, PMS là tình huống trong đó có sự bóp méo giá cả hay chi phí sản xuất do sự tác động của chính phủ dẫn đến việc so sánh giữa giá trị thông thường và giá trị xuất khẩu không được chính xác.

Về cơ bản, đây là việc nước nhập khẩu từ chối sử dụng số liệu của nước xuất khẩu, dùng số liệu do mình lựa chọn để tăng thuế phòng vệ thương mại nhằm tìm cách nâng cao mức độ “bảo hộ” sản xuất trong nước.

Mặc dù Hiệp định ADA của WTO cho phép sử dụng phương pháp thay thế để tính toán biên độ phá giá khi tồn tại một “tình hình thị trường đặc biệt,” nhưng cách thức sử dụng và xác định như thế nào phụ thuộc vào nội luật của từng quốc gia và thực tiễn của cơ quan điều tra mỗi nước.

Trên thế giới đã có một số quốc gia có quy định pháp luật khá chi tiết và có nhiều kinh nghiệm trong điều tra vấn đề này. Ngoài ra, cũng có nhiều vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO về nội dung này với các phán quyết của ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm WTO.

Tính đến nay, Việt Nam đã đối mặt với 7 vụ việc điều tra chống bán phá giá trong đó có điều tra về tình hình thị trường đặc biệt đều liên quan đến các sản phẩm thép.

Thông thường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chính phải trả lời các bản câu hỏi để cơ quan điều tra nước nhập khẩu xác định biên độ phá giá.

Tuy nhiên, khi kết hợp điều tra về “tình hình thị trường đặc biệt”, cơ quan điều tra nước ngoài còn xem xét đến cả các chính sách có tính chất can thiệp của chính phủ được ban hành ở cấp trung ương cũng như địa phương.

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đối với các vụ việc bị khiếu kiện nội dung “tình hình thị trường đặc biệt,” Bộ Công Thương đều tham gia hợp tác chặt chẽ, chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành và địa phương chuẩn bị và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra nước ngoài.

Trên cơ sở nỗ lực của Bộ Công Thương và các bộ/ngành, địa phương, tính đến nay, trong số 7 vụ việc điều tra chống bán phá giá có cáo buộc “tình hình thị trường đặc biệt,” Việt Nam đã xử lý thành công 4 vụ việc với kết quả cơ quan điều tra kết luận rằng cáo buộc của nguyên đơn là không có căn cứ; 2 vụ việc đang tiến hành điều tra và 1 vụ việc cơ quan điều tra kết luận dựa trên dữ liệu sẵn có do doanh nghiệp từ chối tham gia.

Từ đó, mức thuế bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu được giảm đáng kể, phần nào hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.

Trong thời gian tới, với xu hướng các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, nội dung “tình hình thị trường đặc biệt” cũng có thể được các nước tăng cường sử dụng. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội liên quan triển khai các nhiệm vụ, biện pháp để xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, trải qua các giai đoạn phát triển, thương mại quốc tế đang đi theo xu hướng tự do và toàn cầu hóa với sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các nước thành viên WTO đã cam kết dỡ bỏ hoặc cắt giảm các chính sách mang tính cản trở thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà tự do hoá thương mại mang lại, xu thế này có thể sẽ tạo ra rủi ro và tiềm ẩn những nguy cơ gây thiệt hại cho các thành viên.

Do đó, khi xây dựng các hiệp định của WTO, các nước vẫn nhất trí cho phép thực hiện một số chính sách nhất định mang tính rào cản vì các lý do an ninh, sức khỏe, ổn định kinh tế hay bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Một trong số các chính sách đó là các biện pháp phòng vệ thương mại./.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load