Thứ sáu 29/03/2024 01:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ứng phó với chuỗi động đất ở Kon Tum

10:25 | 27/08/2022

Việc lên các phương án phòng chống thiên tai từ sớm, từ xa và trang bị kiến thức cho người dân đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Hôm 23/8 vừa qua ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã xảy ra 12 trận động đất độ mạnh từ 2,5 độ richter đến 4,7 độ richter. Theo các chuyên gia, tần suất xảy ra hàng loạt trận động đất trong một ngày trên một địa bàn như vậy là hiện tượng "đột biến". Chuỗi động đất này không chỉ gây ra rung động cho khu vực chấn tâm mà còn ảnh hưởng các vùng lân cận ở Quảng Nam, Đà Nẵng, khiến nhiều người dân khu vực này cảm nhận sự rung lắc.

Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 146 trận động đất với cường độ như nêu trên. Đại diện Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, nhận định sơ bộ chuỗi động đất ở Kon Tum có nguyên nhân do kích thích hồ chứa. Hiện cơ quan chức năng đang nghiên cứu sâu hơn để xác định nguyên nhân cụ thể và chính xác.

ung pho voi chuoi dong dat o kon tum
Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 146 trận động đất với cường độ từ 2,5 độ richter đến 4,7 độ richter. (Ảnh: Phạm Hoàng).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí từ hiện trường, lúc mới xảy ra một, hai trận động đất hôm 23/8, người dân hoang mang và chạy ra khỏi nhà. Tuy nhiên, tâm lý người dân bắt đầu chủ quan khi cảm nhận mặt đất rung lắc "như cơm bữa". Vì vậy cán bộ đã phải đi từng nhà nhắc bà con cảnh giác.

Việc xảy ra động đất với tần suất khá dày ở Kon Tum không chỉ trong một ngày (23/8) mà từ đầu năm đến nay, cho thấy đây là vấn đề cần lưu ý để phòng tránh rủi ro. Trước hết, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục trang bị kiến thức đầy đủ, cung cấp thông tin kịp thời đến người dân tỉnh Kon Tum cũng như khu vực chịu ảnh hưởng (Quảng Nam, Đà Nẵng…) về động đất và các biện pháp ứng phó, tránh hai thái cực hoang mang không cần thiết hoặc tâm lý chủ quan.

Địa phương có thể tổ chức các lớp tập huấn, mời nhà khoa học đến giải thích, hướng dẫn cho cán bộ cơ sở và người dân các thông tin, kỹ năng phù hợp. Theo khuyến cáo của một số chuyên gia, các nhà cao tầng ở xung quanh bán kính vùng động đất 200km cần diễn tập ứng phó với kịch bản động đất mạnh 6 độ richter; khoảng 5 năm một lần cần diễn tập sơ tán sóng thần ở vùng ven biển. Việc này nhằm đảm bảo hệ thống cảnh báo sóng thần được kích hoạt và luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, mặc dù khi xây dựng, các công trình thủy điện khu vực trên đã tính toán có thể chống chịu được động đất độ lớn từ 7-8 độ richter theo quy định, nhưng cơ quan chức năng và chủ đầu tư cũng cần rà soát và đánh giá nhanh về hạ tầng đập, lên phương án lắp đặt hệ thống camera theo dõi kèm hệ thống cảnh báo nguy hiểm.

Mùa mưa đến, lượng nước ở các hồ rất lớn sẽ là một sức nặng lên nền địa chất; với các hồ không an toàn thì phải khống chế ở mực nước thấp để đề phòng rủi ro. Cơ quan chức năng cần rà soát các địa điểm có nguy cơ sạt lở và đặt các biển cảnh báo. Động đất nhẹ có thể tạo các vết nứt bề mặt khá nhỏ ở các sườn dốc, chỉ đợi mưa xuống là sạt lở.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần lắp đặt các trạm quan trắc động đất, không chỉ ở khu vực Kon Plông (tỉnh Kon Tum), nhanh chóng hoàn thành bản đồ phân vùng rủi ro động đất trên toàn quốc để kịp thời phục vụ công tác ứng phó. Từ số liệu quan trắc và bản đồ phân vùng, Bộ Xây dựng sẽ cập nhật hướng dẫn và ban hành các quy chuẩn mới về xây dựng công trình dân dụng, công cộng… có thể chống chịu được với các trận động đất ở mức độ nhất định.

Cuối cùng, một nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra cho cơ quan chuyên môn là khẩn trương xác định rõ nguyên nhân dẫn đến chuỗi động đất, từ đó đề xuất các giải pháp đồng bộ.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Dù không mong muốn nhưng "đến hẹn lại lên" nên nhiều người dân đã quen hứng chịu mưa bão, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng…, qua đó hình thành kỹ năng "sống chung" và phòng chống những loại hình thiên tai này. Vấn đề đặt ra là khi gặp loại hình thiên tai khác, đơn cử như động đất, thì có thể người dân sẽ lúng túng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng dị thường, không theo quy luật và khó dự báo. Việc lên các phương án phòng chống thiên tai từ sớm, từ xa và trang bị kiến thức cho người dân đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo Nguyễn Dương/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load