Thứ hai 20/01/2025 06:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Từ ùn tắc giao thông đô thị, nghĩ về quy hoạch

10:38 | 26/11/2009

Ùn tắc giao thông đô thị đang là trở ngại nghiêm trọng ở hai TP lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.

Trong khi chờ những giải pháp triệt để, quy mô lớn, kỹ thuật cao, vốn đầu tư khổng lồ, thời gian phải là dăm bảy năm, cả chục năm có lẻ thì trước mắt chúng ta phải có giải pháp kiên quyết. Xin từ một thí dụ rất đời thường. Một người ăn đã cực no rồi, mà cứ ép anh ta ăn thêm, ăn nữa, thì bội thực tất yếu xảy ra và có thể tử vong. Ai cũng biết, hai TP lớn đã quá tải, đừng nhồi nhét thêm, đừng dúi thêm nhà cao tầng. Quy hoạch Hà Nội mở rộng, các trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ đang hình thành, rất phù hợp cho các cao ốc nhưng họ không chịu xây dựng xa trung tâm.


Hạ tầng đô thị thực sự quá tải.

Chẳng hạn như:  Điểm giao cắt Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Kim Mã đang quá tải giao thông. Xe máy tràn lên cả vỉa hè. Ngày nào cũng vậy, giờ nào cũng thế… Vậy mà đang mọc lên ngôi nhà 65 tầng, tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ. Lại đang có phương án phá hàng loạt nhà 5 tầng, đoạn đối diện với hồ Ngọc Khánh (giáp nút giao cắt) để xây lên hàng loạt nhà 17 - 19 tầng. Cứ thế thì tránh sao  ùn tắc giao thông mà ô nhiễm lại trầm trọng thêm.

Các nhà đầu tư thường trình bày, phô trương các bản vẽ kiến trúc với nhiều mỹ từ hấp dẫn: Cao cấp, sinh thái, làm đẹp cảnh quan… nhưng đấy chỉ là phần nổi, các phần cơ sở hạ tầng, nền tảng của kiến trúc đô thị, như đôi chân của con người, chân yếu, không mang nổi thân người sẽ đổ. Cấp nước thoát nước và đặc biệt là giao thông, họ không nói đến.

Xin được trích dẫn lời các quan chức Chính phủ và TP. Tại hội nghị An toàn giao thông cuối năm 2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, quy hoạch giao thông, di dời các trường đại học, bệnh viện trong nội đô và xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng để sớm tăng thêm đất cho giao thông”. (Báo  Tuổi trẻ ngày 29/12/2008).

Trả lời phỏng vấn của Báo Hà Nội mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: “Chúng ta cũng phải rà soát lại để tránh vấp phải những vấn nạn trong vấn đề kinh doanh BĐS, xây cất quá nhiều căn hộ, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… để rồi không bán được (Hà Nội mới số Tết 2009 Kỷ Sửu).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội KTS Nguyễn Thế Thảo từng phát biểu: “Cần coi trọng và sớm triển khai giải pháp giảm mật độ đi lại trong nội thành bằng cách phải giãn khoảng cách các trường học, bệnh viện, chợ… ra bên ngoài để giảm ùn tắc. TP sẽ nỗ lực giãn một triệu dân lùi ra phía ngoài để giảm mật độ đậm đặc như hiện nay”.

Vậy xin đề nghị khi lập báo cáo khả thi dự án, không chỉ đề cập giải pháp cho riêng mảnh đất đầu tư xây dựng mà phải trình bày phương án tổng thể. Xây thêm như thế thì giải quyết giao thông thế nào, phải cùng thực hiện, chứ không thể lấy cái lợi cho mình, còn cái khó, cái khổ, dân phải gánh chịu. Khu vực này đã ngập úng vì trận mưa 31/11/2008, liệu có bị ngập nữa không?

Ngã tư, ngã năm trong khu phố cũ, thay vào dãy biệt thự hai ba tầng thời Pháp thuộc là các khối nhà lừng lững vài chục tầng. Tắc nghẽn giao thông là chuyện thường ngày. Và còn bao nhiêu điểm “bội thực” nữa.

Nhân đây xin thử nêu một đề nghị. Hà Nội đang có nhiều cố gắng cho thể thao đỉnh cao. Nhưng cái nền của đỉnh cao xem ra còn mong manh. Bởi vì muốn có nền đỉnh cao thể thao phải có sân tập. Quy phạm thiết kế đô thị có quy định diện tích cho các sân tập thể thao, hiện đã mấy ai chú ý? Muốn lợi nhuận trước mắt, lại muốn trong vài năm tới chiều cao lớp trẻ tăng lên 4cm là mâu thuẫn không thể thống nhất. Cần có tầm nhìn dài hơn và lớn hơn, đừng quá chạy theo kim  tiền! Xin các nhà chức trách lời nói đi đôi với việc làm, đừng để lời nói gió bay!

Ngô Huy Giao

Theo baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load