Thứ tư 24/04/2024 22:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Từ phiên tòa xét xử vụ AVG: Nghĩ về lỗ hổng quản lý

10:48 | 20/12/2019

(Xây dựng) - Phiên tòa xét xử đại gia Phạm Nhật Vũ và 2 cựu Bộ trưởng TT&TT cùng với cả loạt lãnh đạo Mobifone về làm trái kỷ cương trong quản lý đầu tư công, về đưa và nhận hối lộ lớn đang là tâm điểm của dư luận những ngày này.

tu phien toa xet xu vu avg nghi ve lo hong quan ly

1. Bản cáo trạng về vụ mua bán AVG dầy gần 60 trang của Viện KSND TP Hà Nội đã được TAND TP Hà Nội công khai trong phiên xét xử ngày 16/12.

Vụ án chấn động kinh tế, chấn động trong quản lý đầu tư công, đưa và nhận hối lộ lớn đã thật sự thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Người phố bàn, người quê bàn với đủ tiếng nói, nhưng đều dấy lên sự phẫn nộ với lũ quan tham “bán trời không văn tự” này! Càng thấy sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Chính phủ bắt rất trúng ý nguyện của người dân. Vụ án này sẽ đi vào lịch sử ngành tư pháp với nhiều bài học trong đề bạt quản lý sử dụng cán bộ cấp chiến lược, và quản lý bạc tiền đầu tư công đang đặt ra nhiều vấn đề rất nóng hiện nay.

Nếu như nhiều vụ đại án đã xét xử và sắp tới đưa ra xét xử dính đến đất đai, nhà công sản chuyển nhượng bán mua nhí nhố trong những khu “đất vàng” ở các đô thị lớn, thì vụ AVG lại là câu chuyện nhức nhối về những phê duyệt chi tiêu như “làm xiếc” để moi ruột từ cái túi tiền ngân sách quốc gia.

Mới thấy việc quản lý bạc tiền chi tiêu quốc gia rất chặt chẽ với nhiều quy trình, quy định, với đủ các chế tài giám sát và kiểm soát qua nhiều cửa, nhiều khóa, mà sao cả “núi tiền” tới gần 8.900 tỷ đồng lại có thể “chui” ra khỏi két quốc gia để mua các giá trị ảo AVG quá dễ dàng như thế? Dư luận chỉ thẳng do có bàn tay của uy quyền, có sự thao túng của quyền uy. Một dự án xài tới gần 8.900 tỷ đồng thuộc nhóm A khi quyết định ký tá phê duyệt phải qua bao nhiêu bộ ngành “gác cửa” thẩm định xem có hiệu quả không? Nhưng vì uy quyền trao vào tay một số cán bộ tha hóa, xuống cấp nhăm nhắm vụ lợi quá lớn, nên họ đã bất chấp chăng? Mối quan hệ giữa đại gia DN tư nhân qua vụ án này càng thấy phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.

2. Quyền uy và bạc tiền ai mạnh hơn ai? Mới thấy quyền uy trong vụ án này đã bị đồng tiền “dắt tay xỏ mũi”. Chỉ vì 200 ngàn USD hay 3 triệu USD của DN đại gia đem đến “cám ơn” ngay phòng làm việc ở cơ quan cho Trương Minh Tuấn, đem đến tại nhà riêng cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đóng cả vào 2 thùng hoa quả “cài” vào đó cả 2 triệu USD để biếu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà. Rõ ràng đây là vụ mua bán trái luật được dàn dựng lớp lang như một kịch bản, diễn ra như “làm xiếc”, như có phép thần thông? Rõ ràng không thể nói là không có lợi ích nhóm trong ký tá phê duyệt.

Dư luận không khỏi băn khoăn: Trong đầu tư công thì Bộ KH&ĐT chính là cơ quan “gác cửa” quan trọng nhất, vì lý do gì để cho vụ mua bán trái luật này dễ dàng qua mặt? Những con mắt thẩm định đầu tư công của cục nọ vụ kia nhìn đâu mà không tỏ rõ những lỗ hổng quá to của dự án này? Rồi cả Bộ Tài chính, cả các cơ quan quản lý DNNN nữa, sao dễ dàng để cho một bộ phận cán bộ tha hóa vụ lợi “bắt tay ngầm”, rồi “đi đêm” với nhau có thể “qua mặt” như thế? Con số gần 8.900 tỷ giải ngân rất chóng vánh, thì Bộ Tài chính nói gì, giải thích ra sao? Rồi những ký tá, phê duyệt trong các văn bản mua bán lại cộp dấu “Mật”, cho đến cả “Tuyệt mật” vào đó, liệu có đúng quy định của pháp luật không? Dư luận hỏi thẳng: Nếu Bộ KH&ĐT không “thò bút” đồng ý, thì sao có dự án này? Nếu Bộ Tài chính không “gật đầu”, thì sao bạc tiền cả núi có thể rời két?

Khi ra tòa xét xử, dư luận vẫn chưa hết băn khoăn: Liệu những gì là “Mật”, và “Tuyệt mật” ấy đã được giải mật, giải mã hết chưa? Phiên tòa xét xử công khai mà còn có kiến nghị đòi được xử kín, nghe sao lọt tai? Người dân vỗ tay hoan hô chủ tọa phiên tòa đã kiên quyết bác bỏ kiến nghị vô lý này và tuyên bố xử công khai trước thanh thiên bạch nhật! 16 ngày xét xử, các cơ quan tố tụng và bảo vệ pháp luật sẽ kết đúng người đúng tội một cách nghiêm minh, không để ai oan sai, nhưng cũng không để lọt tội lọt người.

Mới thấy qua vụ án này đang lộ ra rất nhiều vấn đề không thể không bàn. Đó chính là giám sát quyền lực và quản lý bạc tiền quốc gia, là sự phối hợp giữa các bộ ngành trong cả chủ trương, thẩm định đầu tư các dự án lớn để bịt ngay lại các lỗ hổng phải có quốc sách thế nào?

Thời kinh tế thị trường bạc tiền ngân sách sao ai đó cứ ngỡ như bầu sữa, cứ coi như “tiền chùa” thế nhỉ? Bầu sữa thì phải nâng niu, “tiền chùa” càng phải bảo quản đâu dễ ai dám động vào chốn “thiên cung” này? Nhưng một bộ phận cán bộ được trao quyền lại dùng ngay quyền uy được trao để khuynh đảo, xà xẻo vào bạc tiền quốc gia quá dễ dàng thì không thể không lo. Chiêu trò thổi vống giá trị DN AVG lên tận trời xanh nhờ đến bàn tay thao tác của các cơ quan thẩm định, chính là chiêu đánh lừa cả tai mắt các bộ ngành sao dễ thế? Cần làm rõ cơ quan thẩm định tài chính thẩm định giá trị AMAX là tổ chức nào, vì sao lại “thổi vống” lên giá trị DN ảo tận trời xanh?

Giá trị hợp đồng ký kết của thương vụ này ở con số 8.889,8 tỷ đồng mà DN đại gia Phạm Nhật Vũ hưởng lợi tới hơn 5.800 tỷ, nghe có giật mình không? Dư luận bàn tới lui chắc phải “đếm lại” chứ đâu dễ dàng nuốt hết? Thì đó “đếm lại” cho ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, cho Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD, cho Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, cho Cao Duy Hải 500 nghìn USD...

Một thương vụ mà Phạm Nhật Vũ điện tới 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn! Một mối quan hệ với đại gia tư nhân mà cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son “phúc đáp” lại tới 126 cuộc điện thoại và 139 tin nhắn để trao đổi thống nhất chỉ đạo nhanh cấp dưới thực thi, đủ thấy những “ma thuật, ảo thuật” và cả sức ép từ bạc tiền ma quái, ghê gớm, đủ thấy đồng tiền có sức “tác quái tác oai” thế nào. Đúng là tiền “dắt tay”, tiền “chỉ đạo”, tiền “điều hành” ngay cả người nắm quyền uy của một tư lệnh bộ ngành.

3. Vụ án đã thu được bạc tiền về cho Nhà nước là thành công của sự nhanh nhạy trí tuệ và chỉ đạo thông minh từ vĩ mô, sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật. Nhiều đương sự nhận hối lộ đã tự nguyện đem trả lại bạc tiền nhận hối lộ. Riêng trường hợp 3 triệu USD của ông Nguyễn Bắc Son, ông nói đưa nhiều lần cho con gái ở TP.HCM, nhưng con gái ông là Nguyễn Thị Thu Huyền một mực phủ nhận, thì cần truy đến cùng xem cả 2 cái vali và một balô “tiền đô” ông Nguyễn Bắc Son từng để ngoài hiên giờ đang ẩn náu ở đâu?

Đối chất trước tòa mà con gái ông Nguyễn Bắc Son vắng mặt không đến vì sao? Trong khi dư luận đang “dậy sóng” lên trước bức bối ấy, thì những diễn biến trong phiên tòa lại như một trò cười! Đó là ông Nguyễn Bắc Son thay đổi lời khai phủ nhận không có chuyện nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ. Ông nói do bị sức ép, do mệt mỏi từ điều tra. Nhưng buổi sáng bác bỏ, phủ nhận, thì đến chiều, ông lại “nhoen nhoẻn” khẳng định là có nhận 3 triệu USD, nhưng không đưa cho con gái mà tiêu xài cá nhân. Hỏi tiêu vào việc gì, thì ông nói không nhớ!

Trâng tráo và trơ trẽn đến thế sao, 3 triệu USD chứ có phải 3 hào, hay 3 đồng lẻ mà không nhớ? Mới hay cả núi “đô la” ấy ông thay đổi lời khai là để tránh vòng lao lý liên lụy cho cô con gái rượu, hay còn là chiêu trò gì nữa chăng? Nhưng dù chiêu trò, cho dù có “diễn” kiểu gì thì 3 triệu USD đang nằm ở đâu, ai sở hữu sẽ được các cơ quan thực thi pháp luật làm rõ. Không phải ông Nguyễn Bắc Son muốn nói gì thì nói, muốn “uốn lưỡi” thế nào cũng có thể “lọt tai” dư luận được. Chỉ buồn một nỗi, người dân quá xót xa là 2 cựu Bộ trưởng và cả “dàn” lãnh đạo Mobifone đều được đào tạo rèn luyện, thử thách bao năm mà vẫn tha hóa, thoái hóa đến khó tin. Ông Trương Minh Tuấn trước khi ngồi ghế Bộ trưởng cũng đi qua bao vị trí. Đặc biệt ông Nguyễn Bắc Son từng đi qua lửa đạn chiến trường cả Quảng Trị, Xiêng Khoảng (Lào) thời chống Mỹ, cho đến mặt trận Cao Bằng trong chiến tranh biên giới. Sau đó ông Nguyễn Bắc Son còn có thời nhận nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi nhận các nhiệm vụ khác rồi mới ngồi đến cái ghế Bộ trưởng TT&TT. Lý lịch sáng choang như thế, rèn luyện thử thách như thế, ngỡ tưởng sẽ là một “công bộc” tâm huyết vì nước vì dân. Nhưng bạc tiền và sự ham hố quyền uy, tự huýnh uy quyền đã làm cho con người ông trở thành méo mó, sống bẩn và ăn lại càng quá tham, quá bẩn chăng? Nhìn về bao người còn nghèo khó, bao cháu nhỏ cần mổ tim, bị ung thư cần trị xạ cũng đều do tàn dư của chiến tranh. Cũng vì gia cảnh khó nghèo các cháu nhỏ thơ ngây chịu đau đớn đêm ngày chỉ vì chưa đủ tiền lo cho ca mổ, thì 3 triệu “đô” (gần 70 tỷ đồng) nhận hối lộ chỉ từ một phi vụ, thì số bạc tiền ấy là quá to, chứ đâu có nhỏ?

Rất cần phải nhìn xem cái lỗ hổng trong quản lý tiền mặt ngoại tệ ở các ngân hàng hiện nay đã chặt chẽ chưa? Số tiền 8.900 tỷ Mobifoner trả cho Phạm Nhật Vũ trong mua bán AVG là chuyển khoản. Nhưng tiền hối lộ đương sự Phạm Nhật Vũ đem đến cho 2 cựu Bộ trưởng và cả “dàn” lãnh đạo Mobifone đều là tiền mặt đô la cả. Rồi từ tiền cả trăm ngàn cả triệu “đô” đổi ra VND có lỗ hổng không, chính NHNN cần xem lại. Cái khe hở sao có thể để cho tư nhân nắm giữ nhiều ngoại tệ tiền mặt như thế? Lại nhớ về vụ đánh bạc ở Phú Thọ sao cả đống tiền mặt VND lại có thể xếp như núi trong nhà để xe của đương sự. Rõ ràng lỗ hổng trong quản lý cả ngoại tệ cho đến VND thì NHNN không thể coi như việc của ai?

Vụ án “động trời” đầy tai tiếng về thao túng quyền lực, dư luận mong chờ TAND TP Hà Nội cần xử nghiêm đúng tội đúng người!

Nhưng bài học lớn hơn, chính là sự cảnh tỉnh răn đe, là bịt ngay những “lỗ hổng” trong quản lý, trong giám sát các dự án lớn của đầu tư công hiện nay. Hơn thế còn là bài học đắng chát về cách chọn người dùng người ở các vị trí then chốt cần phải mổ xẻ để quy đến cùng trách nhiệm.

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load