(Xây dựng) - Đơn vị của bà Dương Kim Loan (Thái Nguyên) hoạt động trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (bến xe), có ký kết một hợp đồng với hình thức Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO) để thực hiện dự án xây dựng các bến xe khách theo hình thức đối tác công tư vào thời điểm tháng 2/2018 với vai trò là nhà đầu tư.
Tại Khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng quy định các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng (ảnh minh họa). |
Năm 2020 và năm 2021, dịch COVID-19 liên tục bùng phát kéo dài ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động dịch vụ vận tải hành khách. Các bến xe khách cũng phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các nhà thầu xây lắp phải dừng thi công do thực hiện giãn cách xã hội, theo quy định của Chính phủ và UBND các cấp, đơn vị bà Loan cũng gặp nhiều khó khăn về vốn trong việc triển khai thực hiện dự án, dẫn tới việc bị chậm tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng công trình dự án.
Bà Loan hỏi, đơn vị bà có thể được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án do dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng (đại dịch COVID-19) không? Nếu được điều chỉnh thì đơn vị bà phải làm thủ tục để xin điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án hay thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Tại Khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng quy định các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng (bao gồm cả việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án):
"Điều 61. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng
1. Các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước gồm:
a) Do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác.
b) Xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại.
c) Khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp tới dự án.
d) Khi chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá xây dựng được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt".
Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự quy định tiêu chí xác định sự kiện bất khả kháng:
1… Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép…".
Đề nghị bà căn cứ các quy định nêu trên, nghiên cứu, đánh giá dự án có thuộc các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng hay không để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Tuệ Minh
Theo