(Xây dựng) – Đồ án thiết kế kiến trúc “Trung tâm thiền định Thiên Cấm Sơn” của sinh viên Võ Hoàng Vinh, ngành Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là đồ án có khối lượng lớn và thể hiện công phu, cho thấy rõ khả năng nghiên cứu sâu và năng lực triển khai của sinh viên.
Sinh viên Võ Hoàng Vinh, ngành Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh bên đồ án đạt giải nhất Giải thưởng Loa Thành 2021. |
Theo đó, tác giả đã biết khai thác những dữ liệu và thông tin từ Phật giáo khá sâu sắc qua phân tích, đánh giá, để rồi chọn lọc chuyển hóa thành nội dung, ý tưởng chủ đạo cùng các chi tiết với ngôn ngữ sáng tạo hiện đại. Các ý tưởng thiết kế là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn về mặt tinh thần và tâm linh với bối cảnh hiện trạng khu vực thiết kế cũng như biết tận dụng địa hình và thế đất, tôn trọng tối đa cảnh quan thiên nhiên để khéo léo sắp xếp bố cục các khối công trình. Đây là đồ án xuất sắc nhận được giải Nhất giải thưởng Loa Thành năm nay.
Xuất phát từ tình yêu Phật pháp, cũng như hiểu được tầm quan trọng của thiền định trong cuộc sống thường ngày, đồng thời với mong muốn thiền định một phần nào đó giúp cho mỗi người giảm bớt đi những lo toan, muộn phiền để có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và an lành, sinh viên Võ Hoàng Vinh của trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự tìm hiểu, tiếp cận, nghiên cứu và xây dựng đồ án thiết kế một trung tâm thiền định mang tên “Trung tâm thiền định Thiên Cấm Sơn”.
Phối cảnh tổng quan thiết kế Trung tâm thiền định Thiên Cấm Sơn. |
Chia sẻ về đồ án, Vinh cho biết, An Giang là vùng đất có ý nghĩa với huyền thoại núi Thiên Cấm Sơn, hay còn gọi là núi Cấm. Đây là dãy núi nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia được bao phủ bởi rừng cây xang ngút tầm mắt, khung cảnh toát lên sự tĩnh lặng, yên bình. Đây cũng là nơi đặc sắc về văn hóa với tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm và nhiều chùa, điện, miếu tâm linh đẹp mắt, là địa điểm thu hút khách du lịch đến và trải nghiệm về không khí và văn hóa tâm linh.
“Khi lựa chọn nơi để khai thác, thiết kế kiến trúc cho trung tâm thiền định, tôi nhận thấy An Giang và núi Cấm là địa điểm phù hợp nhất. Với tầm nhìn về sự phát triển Thiên Cấm Sơn trở thành “công viên tôn giáo quốc tế” trong tương lai theo xu hướng phát triển đề cao sức khỏe, sự yên bình và hạnh phúc, tôi nhận thấy rằng, việc xây dựng một Trung tâm thiền định tại Thiên Cấm Sơn là vô cùng cần thiết, góp phần vào sự phát triển văn hóa địa phương và nâng tầm du lịch quốc tế tại An Giang. Đồng thời cải thiện cuộc sống về tinh thần, sức khỏe cho người dân địa phương nói riêng và khách du lịch nói chung”, Vinh nói.
Đồ án được thực hiện xuất phát từ đặc trưng địa hình đồi núi Thiên Cấm Sơn, trên tinh thần đề cao mối liên hệ hữu cơ giữa con người, kiến trúc và môi trường xung quanh. Tổng thể công trình là một cái “chạm”. “Chạm” nhưng không phá vỡ, “chạm” vào nơi mà nó được sinh ra, “chạm” để hòa nhập, “chạm” để bảo vệ và “chạm” để cùng tạo nên nét đẹp cho nơi chốn.
Điểm nhấn về kiến trúc chính là cái “chạm” của Định và Tuệ với hình ảnh hai bàn tay “chạm” vào nhau. |
Về thiết kế, công trình có sự dung hòa giữa kiến trúc bản địa và kiến trúc hiện đại, một lối kiến trúc mở với những đường nét tối giản, gần gũi. Dựa vào đặc trưng và địa hình núi Thiên Cấm Sơn, công trình thiền định có sự kết nối cộng sinh giữa sự hòa quyện của thiên nhiên, con người và kiến trúc.
Về ý tưởng công trình, đây là sự mô phỏng theo hình thái và đường nét của những dãy núi hung vĩ thất sơn An Giang và gợi lại hình ảnh của những ngôi nhà truyền thống hai mái kề cạnh nhau ở khu làng vùng đồi núi nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung. Công trình hoàn toàn ẩn mình vào thiên nhiên, đem đến một không gian tĩnh lặng, phù hợp với văn hóa tâm linh của người Đông Nam Á.
Thiết kế không gian bên trong Trung tâm thiền định Thiên Cấm Sơn. |
Hình khối được tác giả sử dụng đơn giản, nhẹ nhàng mà hiệu quả, dựa trên tinh thần của Thiền. Kiến trúc đồ án đề cao tinh thần Phật giáo. Điểm nhấn về kiến trúc chính là cái “chạm” của Định và Tuệ với hình ảnh hai bàn tay “chạm” vào nhau thể hiện tinh thần đồng hiệu, thiền định, nhất tâm và tập trung tư tưởng. Cái “không” hiện hữu liên tục, sự cân bằng đặc rỗng về hình thức kiến trúc, bố cục, các không gian chức năng với những khoảng “không” của cảm xúc. Công trình sẽ gần như biến mất và hiện ra dần khi đi sâu vào bên trong.
Dù đã có sự chuẩn bị kĩ càng những kiến thức cơ bản liên quan đến đề tài trước khi bước vào quá trình thực hiện đồ án, sinh viên Võ Hoàng Vinh vẫn nhận thấy bản thân mình còn thiếu nhiều điều để có thể hoàn thành tốt đồ án.
“Tôi cảm thấy cần phải nhìn nhận lại bản thân và hoàn thiện những điều mà tôi còn thiếu để đạt được mục tiêu mà tôi đã đề ra. Trong suốt quãng thời gian đó, tôi đã đọc rất nhiều sách, xem phim, xem youtube và nghe các bài thuyết pháp của các sư thầy để phần nào đó cũng cố thêm kiến thức về phật học, giảm bớt đi áp lực hiện tại. Có lẽ chính vì vậy mà tôi đã thay đổi được rất nhiều, suy nghĩ cũng trở nên tích cực hơn, giải quyết được những khó khăn mà tôi đang gặp phải”, Vinh chia sẻ.
Kiến trúc Trung tâm thiền định mang đậm tinh thần của Phật giáo. |
Chia sẻ cảm nghĩ về giải thưởng Loa Thành năm nay, Vinh nói “Thành tích này một phần nào đó đã cho thấy sự cố gắng của bản thân, tuy nhiên tôi vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện bản thân mình hơn nữa để cảm thấy xứng đáng hơn với giải thưởng cao quý mà tôi đã giành được. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức giải thưởng đã tạo điều kiện cho sinh viên chúng tôi có cơ hội được chạm gần hơn đến ước mơ của mình”.
Yến Mai
Theo