Thứ bảy 20/04/2024 14:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang: Sống lại ký ức Đà Lạt xưa

22:14 | 20/12/2021

(Xây dựng) - Theo đánh giá của Hội đồng chuyên ngành, đồ án “Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang” của sinh viên Lê Tấn Chung, ngành Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là đồ án xuất sắc, mang tính thực tiễn cao, chuyển tải được những thông điệp nhân văn từ ý tưởng đến cách biểu đạt các bản vẽ, sơ đồ minh họa.

thiet ke kien truc canh quan mot phan tuyen duong sat rang cua da lat phan rang song lai ky uc da lat xua
Sinh viên Lê Tấn Chung bên đồ án “Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang”.

Tại Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 năm nay, sinh viên Lê Tấn Chung của trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là một trong năm sinh viên có đồ án tốt nghiệp xuất sắc giành được giải Nhất. Dưới sự hướng dẫn của ThS.KTS Hồ Viết Vinh, Chung đã mang đến một thiết kế kiến trúc rất đặc biệt tại khu vực Đà Lạt - Phan Rang, đó là cảnh quan một phần của tuyến đường sắt răng cưa.

Theo tác giả, đồ án “Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang” được thực hiện nhằm tìm lại cảnh quan văn hóa, cảnh quan sinh thái của Đà Lạt qua hành trình một tuyến đường sắt răng cưa đoạn từ trạm Đa Thọ đến trạm Hành.

Cấu trúc không gian được phân thành 3 vùng cảnh quan gồm đô thị - khai phá - nguyên sơ. Mỗi vùng cảnh quan được hình thành dựa trên hạt nhân là trạm xe lửa xưa được bảo tồn - tôn tạo - phát triển, kết hợp các không gian văn hóa - nông nghiệp - dịch vụ, tạo nên một điểm đến để đánh thức tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, tuyến cảnh quan kết nối 3 vùng với chiều dài 19km (bao phủ một diện tích 194ha) sẽ là một hành trình quay ngược thời gian - không gian để trải nghiệm sự biến chuyển cảnh quan dưới tác động của canh tác nông nghiệp và phát triển đô thị.

Đặc trưng mỗi vùng dựa trên 3 giá trị không gian cốt lõi. Vùng 1 là không gian văn hóa sáng tạo với lõi trung tâm là trạm Đa Thọ, diện tích 7ha. Vùng 2 là không gian cộng đồng khai phá và xây dựng nên Đà Lạt với lõi trung tâm là hầm số 5, hầm số 4 và trạm Cầu Đất, diện tích 105ha. Vùng 3 là không gian cảnh quan nguyên sơ Đà Lạt với lõi trung tâm là trạm Hành và hầm số 3 (công viên Yersin), diện tích 82ha.

Về kiến trúc, kiến trúc cảnh quan của mỗi không gian mang hơi thở cảnh quan đồi núi, rặng thông, dấu tích kiến trúc Pháp và pha lẫn màu sắc bản địa thông qua các ngôn ngữ như kiến trúc hình thể và kiến trúc bắt nguồn từ cảm hứng sinh thái.

Nói về lý do lựa chọn nội dung thiết kế kiến trúc cảnh quan tại Đà Lạt - Phan Rang để thực hiện đồ án tốt nghiệp của mình, Chung cho biết, tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang được người Pháp xây dựng từ năm 1908 - 1932, toàn tuyến dài 84km sử dụng cơ chế chuyển động thanh răng bánh răng để leo núi, kết nối giữa vùng đồng bằng với cao nguyên. Tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang và tuyến đường sắt Furka vượt dãy Alpes, Thụy Sỹ là hai tuyến đường sắt leo núi chạy bằng răng cưa trên thế giới và hiện tuyến đường sắt ở nước ta đang mất dần theo tiến trình lịch sử.

“Tôi thực hiện đồ án với mong muốn có thể làm sống lại ký ức về Đà Lạt qua việc khôi phục một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang, một tuyến đường sắt vốn mang dấu ấn của lịch sử. Điều này sẽ mang lại động lực thúc đẩy kinh tế cho khu vực, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi giá trị cảnh quan văn hóa, cảnh quan sinh thái riêng biệt dọc theo tuyến đường sắt”, Chung chia sẻ.

Cũng theo sinh viên Tấn Chung, trong quãng thời gian thực hiện đồ án, Chung đã gặp rất nhiều khó khăn do thời gian thực hiện đồ án khá ngắn ngủi.

“Tôi đã gặp phải vướng mắc trong việc xác định đặc trưng cảnh quan làm nền tảng để kiến tạo nơi chốn. Nhưng khi đứng trước công trình bến trạm - hầm hỏa xa bị lãng quên, tôi chợt nghĩ tới câu hỏi rằng cảnh quan của nơi này có gì và nó cho phép ta làm được gì?

Để giải quyết điều khó khăn đó, tôi đã phải nhìn lại điểm xuất phát với hành trình thám hiểm cao nguyên LangBiang của bác sỹ Alexander Yersin đến cộng đồng dân cư bản địa, người dân nhập cư đã đến đây khai phá, xây dựng tạo nên đặc trưng riêng về cảnh quan văn hóa, cảnh quan sinh thái. Dựa vào những chất liệu này, tôi đã có thể phác thảo hành trình phát triển Đà Lạt theo đoàn tàu hỏa xa, tìm lại cảnh quan cảnh quan nguyên sơ Đà Lạt”, Chung cho biết.

thiet ke kien truc canh quan mot phan tuyen duong sat rang cua da lat phan rang song lai ky uc da lat xua
Tổng mặt bằng kiến trúc cảnh quan toàn tuyến đường sắt răng cưa đoạn từ ga Đà Lạt đến trạm Hành.

Chia sẻ về giải thưởng nhận được tại Lễ trao giải Loa Thành năm nay, Chung nói: “Giành được giải Nhất tại Giải thưởng Loa Thành có lẽ là một vinh dự vô cùng lớn lao mà tôi có được. Điều này chắc chắn sẽ mở ra một trang mới đầy tươi sáng cho cuộc đời tôi. Về dự định cá nhân sắp tới, tôi sẽ mang tâm huyết của mình đến với cộng đồng, cùng nhau đóng góp và xây dựng hành trình tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang trở thành điểm đến với cảnh quan, văn hóa, sáng tạo độc đáo của Đà Lạt nói riêng và châu Á nói chung”.

Dưới đây là một số ảnh phối cảnh kiến trúc tổng quan đồ án:

thiet ke kien truc canh quan mot phan tuyen duong sat rang cua da lat phan rang song lai ky uc da lat xua

Mặt bằng kiến trúc cảnh quan khu vực Đa Thọ.

thiet ke kien truc canh quan mot phan tuyen duong sat rang cua da lat phan rang song lai ky uc da lat xua

Mặt bằng kiến trúc cảnh quan khu vực từ hầm số 5, hầm số 4 đến trạm Cầu Đất.

thiet ke kien truc canh quan mot phan tuyen duong sat rang cua da lat phan rang song lai ky uc da lat xua

Mặt bằng kiến trúc cảnh quan từ hầm số 3 đến trạm Hành.

Đồ án Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang của sinh viên Lê Tấn Chung, ngành Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã phục hồi, tái tạo không gian cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang. Đây là một đề tài hấp dẫn, mang tính cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế, với mũi nhọn là phát triển du lịch dựa trên các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên. Các giải pháp đề xuất được dựa trên nền tảng phân tích thấu đáo lịch sử phát triển đường sắt răng cưa Đà Lạt - Phan Rang và tôn trọng những giá trị của môi trường văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, nơi tuyến đường sắt răng cưa được hình thành.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load