(Xây dựng) - Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi cho bản dự thảo Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Trong đó có quy định như, sau 6 tháng kể từ ngày quy chế này có hiệu lực, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội; hoặc từ năm 2026, sẽ thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn với 5 màu sơn: vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Hồi cuối năm ngoái, bản dự thảo này cũng đã gửi Bộ GTVT xin ý kiến, khi ấy taxi Hà Nội chỉ dự định thống nhất 3 màu sơn chung, gồm xanh, ghi bạc, trắng.
Sau đó, Bộ có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội không quy định màu sơn taxi và cho rằng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật DN và Luật Đầu tư, việc quy định màu sơn xe taxi là không phù hợp.
Thay vào đó, Bộ này đề nghị Hà Nội nên đưa ra các màu sơn để định hướng đơn vị taxi tự lựa chọn nhằm thuận lợi cho việc kinh doanh và quảng bá thương thiệu của họ.
Một năm sau, ghi nhận sự góp ý này, số màu sơn đã được tăng lên 5 màu.
Nhìn ở góc độ khác, chỉ tính riêng cụm từ “phải sử dụng phần mềm chung” nghe chừng giống như một mệnh lệnh hành chính, hoàn toàn không phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay của Chính phủ và cả hệ thống quản lý hành chính quốc gia. Bởi lẽ với các hãng taxi có giá trị thương hiệu khác nhau, đẳng cấp khác nhau, quy mô khác nhau... thì cũng vẫn muốn có các dịch vụ kèm theo khác nhau, trong đó có phần mềm điều hành.
Rồi việc quy định chỉ được dùng 5 màu sơn cố định cũng thấy dường như đã xâm phạm vào quyền quản trị của mỗi DN, bởi 5 màu trên không phù hợp với màu định vị thương hiệu của họ bấy lâu nay.
Có ý kiến bàn rằng, đây là cách quản lý mới để giúp taxi truyền thống cạnh tranh với taxi công nghệ. Chưa biết đúng hay sai nhưng từ nhiều năm nay, các chuyên gia cùng các nhà hoạch định chính sách đã bàn nát nước nát cái và kết luận rằng, taxi công nghệ sinh ra bởi sự phát triển tất yếu của nhu cầu xã hội, đó là một phần của nền kinh tế chia sẻ.
Rồi nhiều người cũng biết mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với nhiều giải pháp khuyến khích sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ, hướng tới một nền kinh tế số. Mục tiêu quan trọng nhất của đề án là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Vậy mà giờ đây, Hà Nội lại dự định có một quy chế mà trong đó có nhiều điều trói buộc sự phát triển của nhánh kinh tế chia sẻ này, liệu có phù hợp chăng?
Nguyễn Hoàng Linh
Theo