(Xây dựng) - Ngày 23/10, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) đã tổ chức họp báo về Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Viet Nam 2024.
Máy kiểm tra chip giá 7 tỷ đồng được trưng bày tại sự kiện đầu tháng 10. |
Triển lãm dự kiến diễn ra trong 2 ngày 7 và 08/11/2024 tại NIC Hòa Lạc. Là cơ hội kết nối các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này, mang đến tầm nhìn phát triển bền vững. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, hướng tới sự tăng trưởng bền vững và thân thiện với môi trường.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của ngành điện tử, với vai trò sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho các sản phẩm công nghệ cao. Trước bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19 cùng việc tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và chi phí hợp lý, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư vào các quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Triển lãm là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành này. Mục tiêu chính là thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, và phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực bán dẫn.
Tham gia triển lãm lần này, sẽ có hơn 100 đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như GlobalFoundries, Intel, Amkor, Coherent, Infineon, Synopsys, Siemens, Tektronix…
Triển lãm sẽ tạo cơ hội kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, sự kiện cũng cung cấp thông tin về các xu hướng công nghệ mới nhất, giúp doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội phát triển. Đồng thời, triển lãm sẽ kết nối việc làm, thực tập và cung cấp thông tin học bổng cho sinh viên ngành bán dẫn, góp phần xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai.
Ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Việt Nam sẽ xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn và điện tử. Đồng thời, hình thành và công nhận các tổ chức đánh giá chất lượng, các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, xây dựng quy định về khai thác, xử lý và tái sử dụng tài nguyên cũng như quản lý chất thải độc hại trong quá trình sản xuất bán dẫn và điện tử. Năng lực xử lý môi trường cũng sẽ được nâng cao để tận dụng tài nguyên một cách bền vững, đồng thời bảo đảm an toàn cho môi trường.
Đặc biệt, việc thúc đẩy các dự án sản xuất xanh trong lĩnh vực bán dẫn sẽ được ưu tiên, với trọng tâm là tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hoàng Hồng
Theo