(Xây dựng) - Để dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường được triển khai đúng lộ trình, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện di dời các Công ty đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 theo 2 giai đoạn. Phấn đấu đến hết năm 2025, sẽ di dời hết toàn bộ các Công ty.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm sát sông Đồng Nai. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, mới đây, đơn vị đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp nội dung Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hoà 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường của UBND tỉnh Đồng Nai, trong đó có việc di dời các cơ sở, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang đóng chân tại Khu công nghiệp này.
Hiện nay, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có 76 đơn vị, doanh nghiệp đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động. Trong đó có 6 doanh nghiệp FDI cùng 70 doanh nghiệp trong nước. Tổng số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người.
Theo lộ trình, việc di dời sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 có 14 doanh nghiệp phải hoàn thành việc di dời trước tháng 12/2024. Trong đó, 10 Công ty sẽ bị ảnh hưởng toàn bộ mặt bằng gồm: Công ty Cổ phần Cơ giới và xây lắp số 9; Công ty Cổ phần Bê tông Biên Hòa; Công ty Cổ phần Chương Dương; Công ty Cổ phần bibica; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú; Công ty TNHH Giặt mài Texma Vina; Công ty Cổ phần Miền Đông; Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai; Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa và Công ty Cổ phần Đồng Nai. 4 công ty bị ảnh hưởng một phần diện tích mặt bằng gồm: Công ty Cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam; Công ty Cổ phần Điện tử Biên Hòa và Công ty Cổ phần gạch ngói Đồng Nai.
14 doanh nghiệp nói trên nằm trong phần diện tích Khu 1 (diện tích khoảng hơn 75ha) nằm về phía Nam khu công nghiệp Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã đề nghị 14 doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm vị trí phù hợp để di dời và phải thực hiện xong trước tháng 12/2024.
Giai đoạn 2, có 62 doanh nghiệp phải hoàn thành di dời trước tháng 12/2025. Về chính sách bồi thường và hỗ trợ, dự kiến phương án bồi thường và hỗ trợ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua trong quý II/2024.
Trước đó, tháng 2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường nhằm thay đổi diện mạo kiến trúc thành phố Biên Hòa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai. Đề án có tổng kinh phí khoảng 7.500 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo đề án, Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 sẽ được tách thành 2 hồ sơ với quy mô cụ thể từng dự án (khu vực) gồm: Dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh (quy mô khoảng 44ha) và dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ (quy mô hơn 286ha).
Với dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Đồng Nai thống nhất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; dự án được chia làm 6 khu; trong đó khu 1 (diện tích khoảng 75ha) được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030, các khu còn lại triển khai từ năm 2024 - 2030. Hiện khu này có 2 công trình hiện hữu đề xuất giữ lại gồm tòa nhà Sonadezi (diện tích khoảng 1,2ha) và Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (diện tích khoảng 2,2ha).
Đối với dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, hiện nay, đang triển khai các dự án Trụ sở Công an tỉnh (diện tích gần 6ha) và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII diện tích 0,5ha.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là phù hợp với tất yếu khách quan và là cơ hội để phát triển thành phố Biên Hòa theo đúng quy hoạch, qua đó, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc thành phố Biên Hòa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có vị trí đắc địa. |
Cũng theo địa phương này, việc đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu về ngân sách số tiền lớn sau khi đã trừ đi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Quá trình triển khai đề án địa phương sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền sử dụng đất; các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, tín dụng; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống…
Được biết, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án Cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Biên Hòa 1, trong đó quy định Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được tổ chức và hoạt động theo quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đến cuối tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam.
Thìn Nguyễn
Theo