(Xây dựng) - Hội nghị Trung ương 7 vào đầu tháng 5 tới sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (Khoá X) ngày 06/8/2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. |
Từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức ở nước ta phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao chất lượng, chủ động tích cực trong sự nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ,...
Nỗ lực tham gia vào các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, đội ngũ này là lực lượng đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và hội nhập quốc tế; trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hoá mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đội ngũ trí thức nước ta khoảng 8 triệu người có học vấn chuyên môn và cần thiết làm nghề lao động trí óc. Trong số đó, có 1.600 giáo sư, 12.000 phó giáo sư, 26.800 tiến sĩ, 120.000 thạc sĩ. Số trí thức là Việt kiều ở nước ngoài có khoảng 400.000 người, sinh sống, làm việc tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong số đó có hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, hơn 6.000 tiến sĩ, nhiều nhất là ở Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nga, châu Âu...
Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đội ngũ trí thức, trong đó có một bộ phận tinh hoa và hiền tài là lực lượng giữ vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định sự phát triển bởi đóng góp cho xã hội bằng sản phẩm sáng tạo là những tri thức khoa học mới, tạo nên sự thay đổi căn bản theo chiều hướng đi lên của xã hội. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là quá trình bắt đầu từ sáng chế, phát minh sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường và kết thúc bằng thành quả thương mại.
Hướng tới một quốc gia công nghiệp, một nước phát triển, vai trò đội ngũ trí thức cực kỳ quan trọng. Đặc biệt đội ngũ trí thức là cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, trí thức làm công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, trí thức giáo dục và đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao… là nhân tố quyết định. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam còn tụt hậu khá xa về kinh tế - xã hội, nhất là năng suất lao động, khoa học công nghệ, xây dựng hạ tầng… nên lịch sử đang đặt lên vai đội ngũ trí thức trọng trách lớn lao trong khởi nghiệp sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Kim Quốc Hoa
Theo