(Xây dựng) – Theo đề án Phát triển kinh tế ban đêm, tổng nhu cầu vốn để thực hiện là hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó phần lớn huy động từ xã hội hóa, các dự án cơ sở hạ tầng lớn, trọng điểm cấp tỉnh được ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Chợ đêm Trà Vinh thu hút khá nhiều khách du lịch. |
UBND tỉnh Trà Vinh vừa Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030. Tổng nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh là 1.554 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước 757 tỷ đồng, xã hội hóa 797 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2023-2025 là 519 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 1.035 tỷ đồng. Để triển khai thực hiện đề án, nhiều giải pháp được đề ra như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương; quy hoạch các khu vực, địa bàn tập trung phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm...
Đề án chia theo từng giai đoạn: Giai đoạn 2024-2025 là hình thành 2-3 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; phát triển ít nhất 1 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; hình thành ít nhất 2-3 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình 2 ngày. Hoạt động kinh tế ban đêm tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 6-8%; góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Trà Vinh năm 2025 khoảng 1,7 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 930 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030: Hình thành 6-7 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; phát triển ít nhất 2-3 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; hình thành ít nhất 4-5 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình 2-3 ngày. Hoạt động kinh tế ban đêm tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 8%; góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Trà Vinh năm 2030 khoảng 2,5 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt khoảng 1.850 tỷ đồng. Theo lộ trình thực hiện, giai đoạn đến năm 2025: Tại thành phố Trà Vinh, xây dựng trung tâm kinh tế ban đêm, khu phố ẩm thực đặc trưng đồng bào dân tộc Khmer, các tuyến phố mua sắm. Xây dựng khu tổ hợp kinh tế ban đêm, tuyến phố đi bộ thị xã Duyên Hải; trung tâm kinh tế ban đêm tại các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành. Trong đó, thực hiện thí điểm kêu gọi đầu tư phát triển trung tâm kinh tế ban đêm tại thành phố Trà Vinh trong năm 2023, sau đó rút kinh nghiệm đánh giá và tiếp tục triển khai các địa phương khác.
Đề án chú trọng phát triển kinh tế ban đêm. |
Giai đoạn 2026-2030: Mở rộng tuyến phố mua sắm ở thành phố Trà Vinh; chợ đêm và khu phố ẩm thực (huyện Cầu Ngang); tham quan trải nghiệm làng nghề Đức Mỹ tại xã Đức Mỹ (huyện Càng Long); trung tâm kinh tế ban đêm Đ, không gian văn hóa dân tộc Khmer (huyện Trà Cú); khu ẩm thực thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần); tổ hợp kinh tế ban đêm xã Hòa Minh, huyện Châu Thành; tổ hợp ẩm thực, vui chơi giải trí thị xã Duyên Hải; chợ đêm xã Song Lộc, huyện Châu Thành; khu ẩm thực, chợ đêm huyện Duyên Hải (tuyến đường ven kênh Quan Chánh Bố gắn với khu vực Quảng trường và tuyến Quốc lộ 53B gắn với phát triển du lịch biển xã Long Hải).
UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí về đêm trên địa bàn tỉnh. Phát triển các cụm tuyến du lịch trên sông Cổ Chiên, từ thành phố Trà Vinh đến biển Ba Động; phát triển các tuyến du lịch biển tham quan rừng ngập mặn, điện gió, làng nghề cá; phát triển du lịch cộng đồng; kêu gọi đầu tư tàu du lịch cao tốc tuyến Định An - Côn Đảo, Định An - Vũng Tàu…
Chí Thạch
Theo