Nhận định của Khu đường sông, tại Khu vực bán đảo Thanh Đa, hiện tượng sạt lở, sụt lún, hàm ếch tại khu vực ven bờ hữu sông Sài Gòn đang rất phức tạp. Nguyên nhân là do triều cường cộng với việc xả lũ hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, hàng ngày các loại tàu thuyền có trọng tải từ 10 - 15 tấn chạy qua lại, gây ra từng đợt sóng vỗ vào bờ tạo ra “hàm ếch”. Do số lượng nhà sống ven kênh dày đặc, nên thiệt hại rất lớn mỗi khi xảy ra sự cố.
Hiện trường vụ sạt lở nằm 2008 làm 12 căn nhà trôi sông tại
phường 26 quận Bình Thạnh.
Ngủ không yên
Sau một năm chúng tôi trở lại đường Tầm Vu (phường 26, quận Bình Thạnh), nơi đã xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng làm 13 căn nhà bị trôi sông. Hiện trạng vẫn y nguyên như cũ, ngoài một số căn nhà đã được đập bỏ dọn đi nơi khác, còn lại vẫn còn khá nhiều hộ dân vẫn quyết tâm bám trụ. Dù họ đã được bố trí căn hộ chung cư Nguyễn Huy Lượng (quận Gò Vấp) nhưng ở trên cao không thể buôn bán nên đành chấp nhận liều mình làm ăn chung với sạt lở. Bà Nguyễn Thị Lan cho biết, chính quyền cũng đã vận động nhiều lần nhưng, cả gia đình sống nhờ vào quán cà phê này hàng chục năm nay, về chung cư biết lấy gì kiếm sống.
Do tác động của những vụ sạt lở, đường Tầm Vu đã xuống cấp nặng, nhiều ngôi nhà có dấu hiệu sụt lún. Xung quanh khu vực này nhiều nơi khi nước rút xuống thấp lộ ra những khoảng hàm ếch ăn sâu vào đất liền rất nguy hiểm.
“Đêm nào giấc ngủ cũng chập chờn, nỗi ám ảnh bị dòng nước cuốn trôi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cứ nghĩ đến cảnh những ngôi nhà của bà con bị trôi sông những năm trước đây là tôi lại thấy sợ. Gia đình chúng tôi phải sơ tán các con về bà ngoại để chúng học tập, còn lại mình tôi ở đây bám trụ coi nhà cửa”- Anh Nguyễn Văn Tân (ngụ bán đảo Thanh Đa, phường 24 quận Bình Thạnh) kể với chúng tôi trong nỗi lo lắng.
Ngoài “điểm nóng” Thanh Đa, huyện Nhà Bè hiện là địa phương có nguy cơ sạt lở cao với 19 vị trí, nhiều nhà dân đang sinh sống sát bờ sông có thể bị trôi xuống sông bất cứ lúc nào. Cụ thể những khu vực như cầu Hiệp Phước, cầu Phú Xuân, sông Mương Chuối, sông Phước Kiểng, rạch Giồng, rạch Tôm…Những điểm sạt lở mới tập trung nhiều nhất ở Nhà Bè, nằm về phía sông Soài Rạp do luồng Soài Rạp mới nạo vét và đưa vào sử dụng, trong quá trình khai thác luồng tuyến có thể gây những tác động cộng với thủy triều lên xuống bất thường gây nguy cơ sạt lở.
Sạt lở đến đâu chống tới đó
Với 19km dọc các bờ sông có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, người dân ở các địa phương quận, huyện 7, 9, Bình Thạnh, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh đang đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Trong khi đó những dự án chống sạt lở đang thi công ì ạch.
Người dân đang đối mặt với những nguy hiểm rình rập.
Dù Ban Chỉ huy PCLBTP và Khu Đường sông đã gởi văn bản yêu cầu các địa phương cần có những phương án di dời khẩn cấp khi sự cố sạt lở xảy ra và thường xuyên cảnh báo cho người dân biết. Thế nhưng từ đầu mùa mưa đến nay trên trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng làm gần chục nhà dân trôi xuống sông ở khu vực huyện Nhà Bè. Rõ ràng việc cảnh báo sạt lở hiện nay là cảnh báo nguy cơ... sạt tiếp tại các điểm cũ chứ chưa thể cảnh báo nguy cơ các điểm mới.
Trong khi đó các dự án chống sạt lở đã được TP.HCM lên kế hoạch từ nhiều năm trước vẫn chưa thể triển khai thi công. Theo báo cáo của Khu đường sông TPHCM, hiện tại mới chỉ có 3 trong số 22 dự án phòng chống sạt lở được triển khai, chủ yếu tập trung tại những khu vực có dân cư đông.
Theo kế hoạch, trong năm nay nếu hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, sẽ khởi công thêm 4 công trình (tập trung ở huyện Nhà Bè). Nhưng khó khăn lớn nhất mà các dự án này đang đối mặt là thiếu vốn. Điển hình là dự án chống xói lở khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm (Nhà Bè) có tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng được khởi công vào cuối năm 2008 đến nay đang còn thi công cầm chừng.
Giải quyết vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gởi UBND TP.HCM, các Sở, Ban ngành và Ban quản lý dự án Khu Đường sông về việc điều chỉnh vốn xây dựng và thi công ứng vốn.
Qua khảo sát thực tế, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP cho biết tình hình sạt lở trên địa bàn TP ngày càng diễn biến phức tạp và xảy ra trên diện rộng. Thời gian tới, có hàng ngàn căn nhà cần phải di dời do ảnh hưởng các điểm sạt lở. Trong khi đó việc phòng chống sạt lở của TP vẫn lúng túng và bị động. Sạt lở đến đâu, chống ở đó, không tuân theo một quy hoạch cụ thể. Có khi các công trình lại gây tác động ngược gây ra sạt lở ở nơi khác.
An Đô
Theo baoxaydung.com.vn