Chiều 3/1, tại TP.HCM, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết, giai đoạn 2014-2015, Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn đạt 10,5-11%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ đạt 12-12,5%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 8,5-9%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt 5%/năm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) và tỷ lệ hộ cận nghèo (thu nhập 21 triệu đồng/người/năm) còn dưới 3% tổng số hộ dân Thành phố.
Cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy TPHCM và Ban Kinh tế Trung ương.
Đồng chí Lê Thanh Hải kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương giúp TPHCM nghiên cứu 5 vấn đề lớn về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới: Huy động nguồn lực vốn đầu tư xã hội cho phát triển Thành phố; phát triển công nghiệp phụ trợ; các giải pháp phối hợp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát triển, thu hút nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Thay mặt Ban Kinh tế Trung ương, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao các báo cáo của Thành ủy TPHCM đã được chuẩn bị hết sức công phu, khái quát được những vấn đề lớn, có tính hệ thống cao, đồng thời cũng đưa ra nhiều số liệu sát thực với tình hình Thành phố.
Đồng chí Vương Đình Huệ gợi ý, TPHCM cần tiếp tục bám sát các mục tiêu theo Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm: Thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao; tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ và giá trị gia tăng cao. Lựa chọn một số công đoạn, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong các ngành kinh tế để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, quan tâm chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường, công nghiệp hóa dược… có giá trị gia tăng lớn.
Thành phố cùng các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để sớm hình thành trung tâm tài chính, gắn kinh tế tri thức, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, cần có các đề án, chương trình cụ thể để thực hiện; cần tăng cường phát triển các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn để tạo cầu cho kinh tế tri thức, phát triển thị trường tài chính. Chú trọng phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là tạo cầu cho công nghệ thông tin, kinh tế trí thức. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá mới về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế. Thành phố cần có quy hoạch liên kết vùng kinh tế trọng điểm, kết nối vùng bằng các nguồn lực, bằng sản phẩm… từ chế biến đến tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh; nghiên cứu tầm nhìn phát triển của TPHCM sau 5-7 năm tới so sánh với các thành phố lớn khác trong khu vực, khi GDP bình quân đầu người đạt 9.000-10.000 USD/đầu người để có bước phát triển phù hợp.
Theo Chinhphu.vn
Theo