3 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) TP Hồ Chí Minh ước đạt 112.772 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực dịch vụ có mức tăng 8,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,8% và khu vực nông nghiệp tăng 4,8%.
Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế-xã hội TPHCM quý I.
Ngày 28/3, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý I và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II năm 2013.
Kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục
Về tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý I, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết GDP trên địa bàn 3 tháng đầu năm ước đạt 112.772 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,36%) gấp 1,55 lần so với mức tăng chung của cả nước. Trong đó, khu vực dịch vụ có mức tăng 8,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,8% và khu vực nông nghiệp tăng 4,8%. Mức tăng này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đã từng bước được phục hồi.
Chương trình bình ổn thị trường của thành phố được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng vào việc kiềm chế tốc độ tăng giá hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,29% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,12%). Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số giá cả chỉ tăng 1,15% so với cuối năm 2012 (cùng kỳ tăng 2,35%).
Việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt kết quả tích cực. Lãi suất có xu hướng giảm dần, thanh khoản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tương đối ổn định. Hiện lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp và nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) không quá 12%/năm. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, đạt 1.017.900 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2012; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 857.700 tỷ đồng.
Chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 1/3 giảm 1,8% so với tháng trước. Trong đó, ngành giày da giảm 25,3%; chế biến thực phẩm giảm 21,2%; đồ uống giảm 21,9%; hoá chất giảm 8,4%; may mặc giảm 7,6%; ô tô giảm 3,7%...
Một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng có mức tăng trưởng khá. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 6,58 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,6%); các mặt hàng có mức tăng trưởng cao như máy tính và sản phẩm điện tử tăng 86,23%, dầu thô tăng 39,1%, dệt may tăng 25,95%... Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 141.043 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 20.897 tỷ đồng, tăng 21,4%; khách quốc tế đến thành phố ước đạt 1,05 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 49.444 tỷ đồng, chiếm 20,74% kế hoạch năm.
Tập trung thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và lãnh đạo thành phố, kinh tế quý I đã có nhiều khởi sắc, những nguyên nhân gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua đã phần nào được tháo gỡ, hiện nguồn vốn cung ứng cho doanh nghiệp dồi dào, lãi suất cho vay giảm, tỷ lệ tồn kho của doanh nghiệp cũng giảm nhiều, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng đến cuối năm 2013.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho rằng, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, trong những tháng tiếp theo kinh tế thành phố vẫn còn chưa hết khó khăn do khó khăn chung của kinh tế thế giới. Do đó, những giải pháp trong chỉ đạo của thành phố vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện trong thời gian tới đây cần tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành liên quan và kế hoạnh triển khai tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường của thành phố.
Bên cạnh đó. thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho doanh nghiệp, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, ưu tiên vốn cho các lĩnh vực như nông nghiệp và nông thôn; sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp ứng dung công nghệ cao.
Tăng cường tổ chức các buổi đối thoại giữa chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện về môi trường để các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Theo Chinhphu.vn
Theo baoxaydung.com.vn