(Xây dựng) – Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 65,43 tỷ USD, giảm 2,9% so với tháng trước (tương ứng giảm 1,94 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% (tương ứng giảm 1,45 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 32,17 tỷ USD, giảm 1,5% (tương ứng giảm 494 triệu USD).
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN). |
Với kết quả trên thì lũy kế 4 tháng/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 242,19 tỷ USD, tăng 15,8% (tương ứng tăng 32,97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 17,19 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 15,78 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2022 ước tính thặng dư 1,09 tỷ USD. Như vậy, lũy kế 4 tháng năm 2022, cả nước ước tính thặng dư 2,53 tỷ USD.
Bên cạnh đó, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/4/2022 do KBNN cung cấp đạt 38.261 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/4/2021 đạt 148.316 tỷ đồng đạt 42,1% dự toán, đạt 40,1% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, về cải cách hành chính (CCHC): Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch, thực hiện các báo cáo về công tác CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn.
Nhằm phục vụ công tác đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục báo cáo kết quả tự chấm điểm chỉ số CCHC năm 2021 đồng thời nghiêm túc triển khai công tác chấm điểm chỉ số CCHC năm 2021 của Tổng cục Hải quan theo yêu cầu của Văn phòng Bộ Tài chính.
Về kiểm soát TTHC: Tổng cục Hải quan đã hoàn thành báo cáo kết quả rà soát văn bản triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID; tiếp tục chỉ đạo rà soát, cập nhật dữ liệu và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Hệ thống của Văn phòng chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Bộ Tài chính.
Trong tháng lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ vi phạm với hàng hóa chủ yếu là đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, điện, gia cầm, sản phẩm gia cầm… được các đối tượng vận chuyển qua các tuyến: hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ. Cùng với đó, công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy cũng được chú trọng đẩy mạnh trên các tuyến hàng không bưu điện và các tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An… Qua đó đã bắt giữ được số lượng ma túy lớn.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Sổ tay nghiệp vụ kiểm soát ma túy, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính tham gia ý kiến với Bộ Công an dự thảo Tờ trình và Nghị định quy định các Danh mục ma túy và tiền chất và dự thảo báo cáo, kế hoạch về các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy năm 2021, 2022.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập xử lý thông tin (TTXLTT) phục vụ công tác kiểm soát hải quan, tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ trong trao đổi thông tin phục vụ công tác kiểm soát giữa các lực lượng trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch công tác trọng tâm về TTXLTT nghiệp vụ kiểm soát hải quan năm 2022.
Kết quả: Tính từ 16/03/2022 đến 15/04/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.106 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 215 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 21,788 tỷ đồng.
Tuệ Minh
Theo