Kinh tế-xã hội quý 3 và chín tháng tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.
GDP chín tháng của năm ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Vietnam+) |
Ngày 6/10, tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương, cho biết kinh tế-xã hội quý 3 và chín tháng tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.
Khu vực chế biến, chế tạo tăng mạnh nhất 6 năm qua
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 2,58%. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%. Đặc biệt trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm qua. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Về sử dụng GDP quý 3, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84% và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.
Như vậy, GDP chín tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Trong quý 3, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%. (Ảnh: Vietnam+) |
Phân tích cụ thể, bà Nguyễn Thị Hương chỉ ra khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 trong tháng 9/2024 nên tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Do đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chín tháng chỉ tăng 3,2% và chỉ hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 (trong giai đoạn 2020-2024). Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành thủy sản tăng 3,73%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, bà Nguyễn Thị Hương cho hay sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chín tháng đã tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Cùng với đó, các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chín tháng của năm tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng
Nhận định chung, bà Nguyễn Thị Hương cho hay tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cụ thể, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Thêm vào đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Tuy nhiên sau nhiều biến động, lãnh đạo Tổng cục Tổng cục Thống kê chia sẻ kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính đang tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Theo đó, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chậm. Cụ thể trong tháng Chín, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó, đạt từ 2,7% đến 3,2%, tương đương tăng trưởng năm 2023.
Cụ thể, Liên Hợp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,7%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (FR) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng Sáu. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra mức 3,2% và cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng Năm. Song, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo tại thời điểm tháng Tư.
Trong khu vực, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Singapore là 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm, trái lại Thái Lan là 2,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng Bảy. Các nước giữ nguyên dự báo tăng trưởng là Malaysia là 4,5%, Indonesia 5,0% và Philiphines 6%.
Đối với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,1% và tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 6/2024, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo đạt 6% (không thay đổi so với dự báo trong tháng Bảy) và IMF kỳ vọng đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng Tư.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Về tình hình trong nước, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế-xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình đó, với quyết tâm nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão lũ, sớm ổn định đời sống của Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 55/1/2024, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024.
“Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp,” bà Hương nói./.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)