Gần một tháng nay mạng xã hội "nổi sóng" về biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Căn biệt thự Pháp cổ này vừa được trùng tu xong giai đoạn một, nghĩa là chưa hoàn thiện, nhưng đã nhận được nhiều ý kiến khen chê, mà có vẻ như chê nhiều hơn khen. Nào là màu xấu quá, lòe loẹt, villa (biệt thự) Pháp kiểu này làm gì có ở Paris.
Những gì ồn ào và nếu là tin xấu thì thường bay nhanh và xa hơn tin tốt. Có vẻ trường hợp biệt thự cổ này là như vậy. Đó là vì mỗi người cảm nhận biệt thư cổ theo kiểu của mình, năm người mười ý.
Biệt thự Pháp cổ ở địa chỉ 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) là một trong những công trình được xây dựng từ thời kỳ đầu của người Pháp ở Hà Nội vào cuối thế kỷ 19 trên khu đất rộng gần 1.000m2 (Ảnh: Mạnh Quân) |
Tôi đọc ý kiến của những người có chuyên môn thì thấy bình tĩnh hơn. Đơn cử ý kiến của kiến trúc sư Trần Huy Ánh trên báo Dân trí, rằng những nhận định đúng sai/xấu đẹp như kiểu "theo tôi thì nên nhạt hơn, trầm hơn; giống cái nọ, cái kia hơn" là mang tính chủ quan, và phải chăng nếu chủ quan như vậy là tự chúng ta bỏ phí một cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn, tiếp nhận một cách nghiêm túc hơn những thông điệp quý giá từ một trăm năm trước chuyển tải tới hôm nay?
Người Việt đã có quá nhiều bài học đau xót: hủy hoại di sản bằng cách làm mới di sản vài trăm tuổi chỉ còn vài tuổi để thuận mắt những bạn trẻ, hay thuận mắt những người tuy nhiều tuổi nhưng ít hiểu biết lại có quyền định đoạt di sản. Xin đừng lặp lại bài học này một lần nữa!
Tôi gọi những người nhận xét mang tính chủ quan là "villa của bạn" vì hiểu theo cách của họ, không khác tôi khi nghĩ về ngôi nhà Pháp của mình trên diện tích 100m2.
Hồi những năm 1990, tôi gom tiền mua được mảnh đất gần Hồ Tây khoảng 110m2, mặt tiền 8m. Một bác quen từng là trí thức thời Pháp dặn "Anh nên xây nhà đẹp, không "trồng củ tỏi" trên nóc. Nhờ kiến trúc sư thiết kế cho cẩn thận".
Lần đầu tiên trong đời xây nhà nên tôi chẳng biết bắt đầu như thế nào. Bác hàng xóm mới xây nhà xong, rỉ tai "nhớ phải ra thăm mấy anh đội quy tắc xây dựng với phong bì kha khá vào. Họ làm phiền cũng không xây nổi đâu". Cô bạn dặn "Nhớ động thổ cho đúng ngày giờ và cúng bái thành tâm, có kiêng có lành. Hai vợ chồng em suýt bỏ nhau khi xây nhà đấy". Anh bạn du học Ba Lan về khuyên rất Tây "Villa kiểu Pháp như nhà 53 Trần Phú mới đẹp".
Quả thật, tôi đã làm ở 53 Trần Phú từ năm 1995 tới năm 2000, một villa Pháp được tôn tạo hoàn hảo dù tôi chả biết bản gốc như thế nào, nhưng đó là văn phòng đẹp nhất Hà Nội khi đó.
Sẵn tình yêu kiến trúc Pháp mà chả hiểu gì, tôi tìm được một kiến trúc sư tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Anh đến xem mảnh đất, quan sát rất kỹ hiện trạng và khu vực, đo đạc và ghi chép cẩn thận, không quên hỏi những nhà bên bao giờ xây nhà hoặc có bán đất hay không, rồi hỏi đùa: "Bác chủ nhà ra đầu bài đi".
Tôi muốn villa Pháp 4-5 tầng, có vườn và gara. Tôi còn đưa anh tới biệt thự 53 Trần Phú và nhân tiện tham khảo mấy biệt thự bên cạnh. Anh nói "Villa kiểu Pháp chỉ có người Pháp mới xây được. Đất 53 Trần Phú rộng gần 1.000m2, nhà mình có hơn 100m2, nếu xây villa 5 tầng, em sợ không thiết kế cho anh được".
Rồi anh cũng giúp khá nhiệt tình và ngôi nhà hoàn chỉnh, dù không phải villa Pháp nhưng có đôi nét hơi hướng Paris. Tuy tôi là dân được học hành, được đi nhiều nơi nhưng vốn hiểu biết về kiến trúc không hơn đám thợ quê, khi họ khuyên nên làm cái kho chỗ này, đổ bê tông chỗ kia, đừng đổ mái dài quá nhà sập và lý do là "nhiều nhà vẫn làm thế mà", tôi đồng ý luôn.
Tất cả những chỗ tôi tự ý thêm vào hay bớt đi đều hỏng, kiến trúc sư tới nơi thì sự đã rồi nên đành chịu. Sau này tôi ở mới biết mình… sai do chả hiểu gì về villa.
Một người thợ đang kẻ vôi trên tường biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Ảnh: Mạnh Quân) |
Xin kể một câu chuyện khác. Tôi quen một gia đình ở phố cổ có ngôi nhà xây từ những năm 1940. Tới chơi được bác chủ cho lên tầng 2 có sàn gỗ lim đen bóng, cửa và hoa văn đúng là từ thời Pháp. Bác kể là nhiều người hỏi mua với giá trên trời nhưng bác không bán. Bác mất để lại cho hai con gái, các chị lấy chồng và mỗi người một nơi.
Vài lần tôi rẽ qua ngắm nhà bạn xưa thì thấy người khác bán hàng, rồi hỏi thăm, họ bảo các chị chủ cũ đi đâu ấy, có chủ mới rồi. Tôi cứ nghĩ thế là xong một góc "Hà Nội xưa".
Nhưng hôm rồi tôi thấy một lời kết bạn trên mạng xã hội với cái tên quen quen, ảnh đại diện cũng quen, và đúng là bạn cũ. Hỏi thăm mới biết là hai chị em vẫn chưa bán ngôi nhà ấy và các con cũng thống nhất sẽ không bán, mà tôi tin giá bây giờ thì "khủng" hơn xưa.
Không biết các bạn như thế nào, bản thân tôi cứ nghe đâu đó ở Hà Nội trùng tu biệt thự cổ là vui hơn thấy những tòa như Lotte cao vút trời xanh.
Vì sao vậy? Vì các tòa nhà chọc trời chúng ta đang và sẽ tiếp tục xây được, chứ biệt thư cổ thì chỉ có thể tôn tạo, trùng tu. Một tòa nhà mới dù có đẹp đến đâu cũng không thể gọi là biệt thự cổ.
Nhiều bạn sẽ cho rằng không thể biết biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài cách đây 100 năm có màu và hình dáng ra sao. Ai đó cùng thời thì cũng gần 100 tuổi và có thể quên màu như thế nào, có nhớ thì cũng lẫn rồi.
Vì thế, chúng ta hãy cứ để các chuyên gia trùng tu họ làm. Rất may đây là trùng tu, bảo tồn chứ không "hạ giải" như một số nơi khác. Nếu chúng ta không hiểu kiến trúc, bảo tồn mà cứ góp ý thì sẽ giống tôi xây nhà nghe theo thợ xây mà không nghe kiến trúc sư vậy.
Xin hãy cho biệt thự 49 Trần Hưng Đạo một cơ hội là "villa Pháp", không phải "villa của bạn" hay "villa của tôi", vì cuối cùng đây sẽ là Trung tâm Văn hóa Pháp.
Viết những dòng này, nhớ lại ngôi nhà nhỏ của người bạn cũ chưa bị bán đi, chưa sang tên hay hạ giải thành nhôm kính vô hồn, tôi chợt mừng, Hà Nội xưa vẫn còn ẩn khuất đâu đây.
Theo Hiệu Minh/Dantri.com.vn