Sự cần thiết lập quy hoạch
Với mục tiêu phát triển hệ thống đào tạo đại học cao đẳng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của quốc gia. Dự án đầu tư khu đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được ra đời nhằm hình thành khu vực đô thị đặc thù với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu - đào tạo - ứng dụng chất lượng cao… trên cơ sở học tập các kinh nghiệm tiên tiến của quốc tế về phát triển khu đại học tập trung.
Từ năm 2004 - 2009, 8/13 dự án thành phần đã được nghiên cứu, triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên nền tảng của quy hoạch chung năm 2004 (do HOK lập) làm cơ sở cho triển khai các dự án đầu tư thành phần như: Dự án bồi thường GPMB (01), dự án hạ tầng khung (02), dự án các trường thành viên (ĐH KHTN và ĐH KHXH&NV), dự án Trung tâm TDTT và GDQP, dự án ký túc xá sinh viên, dự án nhà công vụ, dự án viện - trung tâm nghiên cứu, dự án khu trung tâm… Các dự án đã có những nghiên cứu cụ thể ở mức độ quy hoạch tỷ lệ 1/500 và thiết kế cơ sở của dự án đầu tư. Tuy nhiên việc quản lý và nghiên cứu độc lập của từng dự án đã không đảm bảo sự kết nối về không gian, kết cấu hạ tầng và không có một ngôn ngữ chung cho kiến trúc cảnh quan toàn khu, không đáp ứng được yêu cầu hình thành khu đại học biểu tượng cho sự đổi mới và phát triển giáo dục đại học của quốc gia. Trong đó thiếu đi một nghiên cứu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 ở bình diện tổng thể toàn khu đại học, làm cơ sở điều chỉnh, định hướng cho các nghiên cứu chi tiết của các dự án thành phần.
Điều chỉnh quy hoạch chung Khu đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã được nghiên cứu năm 2009 và phê duyệt tháng 01/2010 trên cơ sở điều chỉnh định hướng phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, kế thừa các quy hoạch đã có và yêu cầu phát triển mới của khu vực Hòa Lạc sau khi mở rộng Thủ đô Hà Nội. Để từng bước cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch chung đã được phê duyệt và làm cơ sở điều chỉnh, định hướng các dự án thành phần, cần thiết phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc tỷ lệ 1/2000.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 cũng là công cụ quan trọng để xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch toàn khu, nhằm hướng tới một khu đại học phát triển bền vững và hình thành trung tâm về đào tạo nguồn nhân lực của quốc gia.
Cơ cấu tổ chức không gian tổng thể
Tổ chức không gian khu đại học theo mô hình hướng tâm, tập trung với các lớp không gian theo các vành đai bao quanh hạt nhân là khu trung tâm, vành đai thứ nhất là các khu các khoa trường đại học thành viên. Vành đai ngoài cùng là các cơ sở nghiên cứu, ký túc xá sinh viên, nhà công vụ và các đơn vị hỗ trợ đào tạo..
Hình thành các khu dành cho học tập, khu vực nghiên cứu, khu vực giao lưu, khu vực ở sinh viên, cán bộ và những không gian phục vụ đời sống đô thị như các trục phố, khu vực dịch vụ công cộng . . . Những không gian này phải đáp ứng các hoạt động đặc trưng của nghiên cứu đào tạo với những tiện nghi đô thị chất lượng cao với đối tượng phục vụ chủ đạo là sinh viên, cân bằng giữa các yếu tố đối lập - giữa hoạt động nghiên cứu đào tạo và đời sống đô thị.
Hình thành khu đại học sinh thái trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị cảnh quan hiện có, hệ thống các sông hồ hiện trạng được bảo vệ, mở rộng đáp ứng yêu cầu tiêu thoát lũ vào mùa mưa và hình thành hệ thống cấu trúc không gian xanh, công viên phục vụ yêu cầu nghiên cứu học tập và nghỉ ngơi của sinh viên. Mạng lưới không gian xanh được tổ chức liên hoàn, kết nối với hệ thống không gian chung của đô thị Hòa Lạc, đặc biệt là vùng núi Ba Vì và khu du lịch sinh thái hồ Đồng Mô.
Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc là không gian khoa học - công nghệ cao với việc khai thác áp dụng các công nghệ đô thị hiện đại, các hình ảnh đặc trưng của khoa học, xã hội và các đặc trưng cho các khu vực khác nhau để tạo nên màu sắc sống động, hiện đại cho các không gian đô thị.
Tổ chức không gian các trục chính
Đối với các trục hướng tâm có yêu cầu kết nối giao thông đối ngoại như tuyến đường phía Đông kết nối với QL21, trục phía Nam kết nối với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và trục phía Tây kết nối với đường Hồ Chí Minh được tổ chức kết hợp giữa không gian xanh, mặt nước với kiến trúc cửa ngõ và các bãi đỗ xe, dịch vụ đầu mối và công trình cao tầng tạo nên không gian cảnh quan đẹp, ấn tượng.
Đối với các trục hướng tâm có tính chất là trục cảnh quan được tổ chức thành các trục phố đi bộ theo các chủ đề gắn với đặc trưng các công trình, cơ sở nghiên cứu đào tạo bám dọc hai bên đường như trục khoa học tự nhiên, trục xã hội, trục hợp tác quốc tế... Dọc các trục này bố trí các không gian đi bộ, hệ thống quảng trường, không gian giao tiếp, công trình sử dụng chung và các tiện ích đô thị .
Đối với các trục vành đai: được ưu tiên sử dụng cho các hoạt động giao thông công cộng, giao thông đi bộ và kết nối với các khu chức năng, đặc biệt là vành đai 2 được bố trí các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu giao thông như hệ thống bến bãi đỗ xe, dịch vụ thương mại, nhà chờ, điểm đỗ xe buýt... và cổng vào của các khu chức năng như trường học, viện nghiên cứu, ký túc xá.
Tổ chức không gian các khu vực cụ thể
Khu trung tâm có diện tích đất 62,8ha, chiếm 6,35 % diện tích toàn khu đại học. Mật độ xây dựng tối đa 30%, tầng cao công trình tối đa 20 tầng. Khu vực trung tâm bao gồm các công trình như trung tâm điều hành, thư viện trung tâm, nhà văn hóa trung tâm... là tổ hợp kiến trúc các công trình kết hợp hài hòa với tự nhiên cây xanh, mặt nước tạo nên hình ảnh nổi bật và trọng tâm của khu đại học. Các công trình tại đây phải có tính biểu cảm cao, được thiết kế kiến trúc hiện đại và thống nhất với không gian chung của khu đại học.
Khu các khoa, trường đại học thành viên có diện tích 345,5ha, chiếm 34,6% diện tích toàn khu đại học. Mật độ xây dựng tối đa 25% tại các khu vực xây dựng tập trung, tầng cao trung bình là 4 - 5 tầng, tầng cao tối đa 15 tầng. Quỹ đất dự trữ phát triển 30 - 40% tại các trường thành viên được sử dụng làm sân bãi và công viên cây xanh gắn với các không gian xanh chung của toàn khu đại học. Các khu vực học tập được đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu 20m với các tuyến đường giao thông để đảm bảo yên tĩnh cho nghiên cứu, học tập. Khu vực trọng tâm của các trục không gian và tại các trường có quy mô lớn được chọn lựa từ các công trình, không gian đặc trưng của từng khu vực để tạo điểm nhấn và định hướng không gian, kiến trúc cho từng khu vực gắn với mỗi trục không gian.
Khu ký túc xá sinh viên có diện tích đất 101,32ha, bố trí thành 6 khu ký túc xá, đáp ứng chỗ ở cho 60.000 sinh viên có mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao 4 - 5 tầng cho những công trình xây dựng giai đoạn 1 và 12 - 15 tầng cho những công trình xây dựng giai đoạn 2. Tăng cường các công trình dịch vụ công cộng trong các khu ở sinh viên đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đặc thù của sinh viên.
Khu nhà ở công vụ có diện tích đất 26,7ha, chiếm 2,7% diện tích đất toàn khu. Mật độ xây dựng tối đa 30 %, tầng cao tối đa 5 tầng. Kết hợp các công trình nhà ở công vụ, khách sạn, dịch vụ, sân bãi thể dục thể thao và công viên cây xanh mặt nước tạo nên không gian ở tiện nghi, chất lượng cao cho các chuyên gia, giáo viên thỉnh giảng đến công tác tại khu đại học.
Khu Viện và trung tâm nghiên cứu với tổng diện tích đất 147,3ha, chiếm 14,7% diện tích đất toàn khu, được bố trí thành 5 khu tập trung đáp ứng chỗ làm việc cho 28 đơn vị đến năm 2020 và dự trữ phát triển tại chỗ cho giai đoạn ngoài năm 2020. Mật độ xây dựng tối đa 25% và tầng cao công trình tối đa là 5 tầng. Đối với các phòng thí nghiệm đặc thù sẽ có kiểm soát xây dựng riêng biệt.
Khu trung tâm thể dục thể thao với tổng diện tích 40,6ha, chiếm tỷ lệ 4,1 % diện tích đất toàn khu đại học, bố trí ở phía Tây Bắc với những công trình thi đấu trong nhà, sân bãi chất lượng cao, mật độ xây dựng tối đa 20%, tầng cao tối đa 3 tầng. Các công trình thiết kế phải đáp ứng cho các nhu cầu tập trung đông người khi có sự kiện quan trọng tại khu vực.
Đất cây xanh công viên tập trung với tổng diện tích 140,6%, chiếm 14,1% diện tích đất toàn khu đại học. Cho phép xây dựng các công trình dịch vụ công cộng, hạ tầng đầu mối với mật độ xây dựng tối đa 10%, tầng cao tối đa 3 tầng. Đất công viên cây xanh kết hợp với các khu vực dự trữ phát triển tại các đơn vị thành viên và hệ thống công viên cây xanh trong các khu chức năng tạo nên hệ thống không gian xanh của toàn khu đại học.
Đất giao thông và hạ tầng đầu mối với diện tích 129,1 ha, chiếm 12,9% diện tích đất toàn khu. Quỹ đất này chủ yếu là hệ thống hạ tầng khung của toàn khu đại học, tại các khu vực chức năng còn quỹ đất bố trí cho hạ tầng và sân bãi chung cho toàn khu.
Đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối với diện tích 6,0ha, chiếm 0,6% diện tích đất toàn khu.
Phạm vi và quy mô lập quy hoạch Khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, được giới hạn như sau: - Phía Đông giáp QL21 (không bao gồm hành lang bảo vệ và cách ly 150m) - Phía Bắc cách đường băng sân bay Hòa Lạc khoảng 1.000m - Phía Nam giáp đường Láng Hòa Lạc (không bao gồm hành lang bảo vệ và cách ly 150m) - Phía Tây giáp núi Thằn Lằn Quy mô diện tích lập quy hoạch: 1.000ha Quy mô đào tạo: Quy hoạch cho giai đoạn năm 2020: 60 nghìn sinh viên và dự trữ phát triển cho giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050: 100 nghìn sinh viên. Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc là khu đại học tập trung bao gồm các khu vực học tập, khu viện nghiên cứu, khu ký túc xá, nhà ở công vụ, công viên cây xanh thể dục thể thao, dịch vụ công cộng và các công trình hỗ trợ học tập khác. |
Theo baoxaydung.com.vn