Thứ bảy 14/09/2024 01:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tình yêu “nảy mầm” nơi mưa lũ

10:00 | 25/08/2015

(Xây dựng) - Khi ấy, trời và đất toàn là nước. Mưa tầm tã, trút nước ngày vắt qua đêm. Mặt đất, nơi thì chìm nghỉm trong nước, nơi núi sạt, lũ quét cuồn cuộn. Hai con tàu cao tốc từ sóng gió, biển khơi vừa cập bến, người chỉ huy là thiếu tá Trần Quang Trung cùng 9 cán bộ, chiến sĩ, áo quần còn sũng nước. Bụng quá bữa, cơn đói đi qua từ trưa, nay đã sang chiều, các anh vừa vật lộn với sóng cả, cứu con tàu đắm, lại được lệnh cả đơn vị rời tàu lên rừng cứu nạn.


Cứu hàng trăm người mặc kẹt trong xe khi nước dâng không thoát kịp.

Đại tá Đặng Văn Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát thủy phổ biến hung tin: Đến giờ có tới  9.000 nhà cửa bị ngập sâu trong nước, trên 100 ngôi nhà bị sập đổ, 17 người chết. Hàng trăm xe ô tô ngập nước, chết máy giữa đường. Giao thông tê liệt, chia cắt địa bàn. Nơi nơi, khẩn báo thương vong. Tỉnh đang yêu cầu chúng ta...

Đại tá Thịnh giao nhiệm vụ cụ thể, từng đầu việc. Tôi vừa chân ướt, chân ráo lên bờ, lòng còn bâng khuâng. Trời ơi! Cái bụng tôi, ném cối bánh mì vào là xong bữa. Nhưng cảnh sát thủy quen sông nước. Vừa cứu con tàu vận tải ngàn tấn BKS-QN 6446, đâm vào dải đá ngầm trên vịnh Hạ Long. Vết rách đáy tàu dài 75cm, rộng đến 40cm, nước ồng ộc chảy vào. Nhờ bàn tay của chúng tôi, con tàu không đắm. Thủy thủ đoàn cùng trên 600 tấn hàng hóa được ứng cứu an toàn. Giờ lên cạn cứu nạn, tính sao đây? Cuốc xẻng đâu nhỉ? Bụng nghĩ vậy, nhưng chả dám nói ra.

Còn đang băn khoăn, thì chỉ huy giao nhiệm vụ chuyển áo phao cứu sinh lên xe. Tôi như cái máy làm theo. Xe chuyển bánh trong nước, nhiều đoạn chẳng nom rõ mặt đường. Mặt đường mưa thảm lớp bùn trơn, nhiều khi bánh xe không ăn lái. Tứ diện sầm sập trong nước. Có thể chiếc xe này ngập nước, khựng lại giữa đường. Nguy hiểm nhất là đoạn qua núi, vách taluy õng nước, sạt lở. Chỗ này đang ập xuống, chỗ kia đùn một đống tướng giữa đường. Có thể mình đi cứu nạn, lại là người bị nạn. Người tôi gai gai vì rét và cả sợ nữa. Nhưng cố trấn tĩnh, kẻo anh Hùng, anh Tiến ngồi bên biết tâm trạng mình thế này thì dơ lắm.

Địa điểm cứu nạn đầu tiên mà chúng tôi đến là tổ 6 khu 10, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả. Một vùng nước mênh mang, nhiều căn nhà chìm nghỉm trong nước. Đồng đội đến trước, bì bõm dò trong ngõ ngách tìm người bị nạn. Trung úy Vũ Ngọc Long Thành cõng một bà cụ đưa lên chỗ ráo an toàn. Sau tôi biết tên bà là Đỗ Thị Quế. Bà Quế độc thân, sống trong căn nhà nhỏ, xây bằng tiền thiện nguyện dành cho người nghèo, gọi là nhà Đại đoàn kết. Đêm khuya, nước dâng đến giát giường, bà Quế mới tỉnh giấc. Biết nhà mình bị lụt, hốt hoảng lội ra sân, nước đã lưng người, bà bèn leo vội lên tảng đá sau nhà. Rồi mắc kẹt trên đó một ngày một đêm, chả ai biết. Tuổi già đói rét trong mưa, nếu không được cứu, chắc chẳng qua nổi đêm nay. Nhìn cảnh ấy và những đồng đội không quản nguy nan, đội mưa cứu nạn, tôi vụng nghĩ, mình có hèn không nhỉ? Rồi vụt lên ý chí quên sợ hãi, lao vào thác lũ cứu người. Người mà tôi tiếp cận đầu tiên là cậu bé Trần Hữu Nghĩa, 15 tuổi. Khi ấy em không còn đủ sức cất tiếng gọi người cứu mình. Tôi tìm được em, khi phát hiện một bụi cây rung lên khác thường, trong vòm xanh mưa gió. Linh cảm cho biết, ở đấy có người phát tín hiệu cầu cứu. Xuồng của tôi rẽ nước tới nơi, Nghĩa cũng vừa trên cành, đuối sức rơi xuống. Qua hơi thở yếu ớt, miệng thều thào, tôi đoán em còn một người ruột thịt mắc kẹt đâu đây. Quả đúng, một phụ nữ trên 50 tuổi (sau này mới biết tên chị là Bùi Thị Hiền), mẹ Nghĩa, cùng ôm ngọn cây chờ ứng cứu.

Đơn vị còn các mũi ngược đường lên vùng cao: Bình Liêu, Ba Chẽ và một mũi hạ sơn xuống thành phố Uông Bí cứu nạn. Mũi lên huyện Ba Chẽ, do Thiếu tá Trần Quang Trung,  Phó Phòng chỉ huy. Trên ấy báo về, nước sông Ba Chẽ dâng cao, nhấn chìm chợ huyện cùng trên 50 nóc nhà. Dòng chảy dữ tợn, phăng phăng cuốn cả những cây đại thụ cỡ 2 người ôm. Đơn vị phải dựa vào xe lội nước của Đoàn 147 Hải quân mới vượt được dòng nước dữ, đến bản trũng, cứu trên 100 người mắc kẹt. Đâu đâu, đồng đội tôi cũng xả thân cứu nạn, phần vì nặng lòng với người hiền gặp cơn thủy ác.

Giải lũ vây, cứu người trong mưa gió, gặp bao cảnh thương tâm, nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt. Bà Nguyễn Thị Thược, ở tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, nhà có mười người. Chồng là Cao Văn Phiến, mới qua đời vì bạo bệnh, chưa đến giỗ đầu, khói hương còn đọng. Nay lũ quét lại mất 8 người, một bị thương. Người xấu số bị vùi sâu trong bùn đất. Trời vẫn sầm sập đổ mưa. Đội cứu nạn hàng trăm người, moi hơn ngày trời mới tìm hết xác. Một thảm cảnh khác là trường hợp chị Nguyễn Thị Lan ở tổ 3 khu 9, phường Mông Dương (Cẩm Phả). Trời vừa chập tối, lụt dâng nhanh đến mức không kịp chạy. Chị và hai con nhỏ, đứa ở tuổi mẫu giáo, đứa năm nay cắp sách đến trường Tiểu học đều chìm trong nước dữ. Chồng chị Lan là Đỗ Văn Nhiên, lúc đó đang ở xa nhà, nghe tin dữ trở về, thì ôi thôi, 3 cỗ quan tài song song trước mặt. Vợ hiền, các con thơ dại nằm đó. Anh gào lên thảm thiết, không tin ở mắt mình, nhưng đó là sự thật, đã quá muộn mất rồi… Cùng ở phường Mông Dương, bãi thải Đông Cao Sơn cao như núi, bỗng đổ sập xuống, vùi lấp 94 ngôi nhà ở khu 4. Đất đá, xít than mà lũ quét để lại, nhiều chỗ sâu 8-10m. Khu 2 phường Cao Thắng (Hạ Long), cống Giáp Khẩu tắc dòng, 400 hộ dân đắm chìm trong nước. Người vong thân. Tang tóc khắp nơi. Thành quả cả đời người mồ hôi đổ xuống, bỗng chốc tiêu tan.

Nỗi buồn đau đáu, cộng với cái rét dầm mưa, chân lết trong nước lũ, tay tôi cố nhoài về phía trước, đẩy chiếc xuồng cứu hộ. Bà Quế ngồi trên, vừa vượt được vài sải nước, tưởng thoát chết là may. Ai ngờ bà Quế đổi ý rưng rưng, các chú cho chị quay lại nhà, còn 2 triệu đồng treo trên vách, không mang theo mai lấy gì sinh sống. Nhìn bà cụ vừa giận, vừa thương. Cả khu dân cư, nước ngập tới mái nhà. Gia dụng trôi theo dòng nước xiết. Còn đâu túi bạc nhỏ kia mà tìm. Bà Quế phều phào, những đồng tiền ấy cả tháng nhặt rác mà có. Khi ấy, giá như tôi mang theo tiền, nhón tay làm phúc, nay chắc bớt hổ cái tâm. Còn chị Trịnh Thị Dung, hộ kinh doanh, nước ngập lưng nhà, chết đến chân mà không chạy. Chúng tôi mò mẫn vào đón, một mực không đi, chính quyền phải cưỡng chế mới chịu ra khỏi vùng nguy hiểm. Sau mới biết, két bạc trong nhà, đồng vay đồng trả, bao chứng từ sinh mệnh doanh nghiệp nằm đó. Nay bỏ chạy lấy người, mai sinh sống sao đây. “Cá chuối đắm đuối vì con” là vậy.

Tôi sinh trưởng ở đất này, 40 năm trước cũng có trận mưa, lượng nước trời đổ xuống tương tự, nhưng không tai hại bằng giờ. Bởi đầu non nước đổ, cuối non tắc dòng, nước cuồn cuộn dâng lên. Quảng Ninh bị chia cắt, bồng bềnh như quần đảo. Giao thông ùn tắc. Bốn con xuồng máy của chúng tôi lao như thoi trên mặt nước. Nhưng những người qua độ đường này, vẫn phải xếp nốt. Thứ tự ưu tiên, người già, trẻ em đi trước. Một chị phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi, vết mổ trên bụng còn rỉ máu qua lớp gạc mềm, chân tay run rẩy. Chị bảo vừa ra viện, đến đây lỡ độ đường. Còn 2 người đi viện, bệnh trọng, gầy yếu, da sát xương, lại ướt át, khó đoán tuổi. Đơn vị phải dìu từng người xuống xuồng, qua độ đường lũ dâng. Trời vẫn đổ mưa, màn đêm lại buông xuống. Chẳng hiểu người bệnh ấy và bao người vượt được đoạn lụt này, đoạn khác nước còn ngập sâu hơn, thân người gửi gắm vào đâu?

Tôi nhìn họ ái ngại. Bụng định hỏi Trưởng phòng một câu gì đó cho vơi nỗi lòng. Nhưng nhìn Đại tá Đặng Văn Thịnh, quần áo sũng nước từ sớm đến giờ, mắt nheo nheo ngước theo đoàn người, chắc cũng đang thầm nghĩ chả hiểu họ đi đâu, về đâu. Có khi mái nhà mình không còn nữa, nước giật đổ mất rồi. Cũng có thể chỉ từ trên cao, nhìn về thôn xóm bồng bềnh trong nước. Trưởng phòng đi cứu nạn, người còn ngây ngấy sốt. Ba ngày bám trụ ở vị trí xung yếu này, thất bữa, người ướt sũng, cảm chạy hậu thì nguy. Lính thương “sếp”, nhưng chẳng ai can anh được, cứ sùng sục đầu đội mưa, chỉ huy đơn vị cứu nạn, hướng dẫn giao thông trong vùng ngập úng.

Đưa người vượt lũ, lắng đọng tình thương. Đưa những thùng hàng cứu trợ, cũng cảm động rơi nước mắt. Phía trước những gói mỳ ăn liền và chai nước lọc là trên 2 vạn người tắt bếp. Nhà cửa ngập chìm trong nước, niêu cơm bị lũ cướp đi. Cả đơn vị không ai bảo ai, tự nhủ, dẫu thân mình có ướt, nhưng không thể để những gói mỳ tôm, mà những tâm lòng thiện nguyện gửi gắm đến nơi cứu trợ bị ướt. Khi ấy, không chỉ những người dân cần gói lương thảo này. Mà cả những người đi cứu nạn, chúng tôi cũng sống bằng gói mỳ tôm, chai nước lọc, bởi nước trời đã phong tỏa nơi nơi. Càng khó khăn, tình người càng gắn bó, càng thêm nghị lực. Chúng tôi chắc tay lái, đưa các vị lãnh đạo các cấp đi thực tế, chỉ đạo chống thiên tai, cùng trên trăm chuyến đưa dân qua độ đường lũ lụt an toàn.

Đang cứu nạn trên núi, chúng tôi lại nhận lệnh xuống biển. Đến vùng nước thương cảng Vân Đồn xưa, để đón 2.000 vị khách du lịch mắc kẹt ở đảo Cô Tô, mà tàu lớn của Hải quân đưa về. Tàu thuyền quân dân, cùng chuyển tải du khách. Những con tàu nhỏ vượt sóng cả, trên 10 hải lý, áp mạn tàu Hải quân từ Cửa Đối đưa người cập bến Cái Rồng. Cứu nạn trên bờ đã cực, cứu khách du lịch ngoài biển rộng, còn khó khăn hơn. Hầu hết họ bị say sóng, chân đi không vững, phải cõng, phải dìu. Mặt mày thất sắc, vì kiếp sợ ngọn sóng lừng ngoài khơi Cô Tô vừa trải. Sóng dựng cao như tòa nhà, bỗng tụt hẫng xuống đáy biển, kéo theo con tàu. Người như bị rút ruột, rút gan, không quen sóng nước. Chúng tôi vừa cứu nạn, vừa hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn. Miệng nói tay làm, hòa mình trong đội quân cứu nạn, nhưng không quên nhiệm vụ của người cảnh sát thủy, trên vùng sông nước mênh mang, đầy bất trắc này.

Nay trời đã hửng nắng, nhưng dư âm về trận mưa lớn chưa qua. Anh Vũ Xuân Thành, Thuyền trưởng tàu QN 6446 của Cty TNHH Đức Thuận, mà chúng tôi cứu hôm ấy, vẫn tâm nguyện tìm đơn vị để trả nghĩa. Hình ảnh những người cảnh sát thủy, rời tàu lên bờ cứu nạn, vẫn lắng đọng trong lòng người dân nơi lũ lụt. Còn tôi, thi thoảng chột dạ những phút giây yếu mềm, nhưng vượt lên tất cả, vẫn nặng lòng với những người bất hạnh. Và một cảm giác thân thương, về một cô gái người Hà Nội. Hôm ấy, tôi lấy thân mình giúp em, êm cơn sóng dữ, độ đường từ Cửa Đối vào bờ. Vết môi người say sóng dường như còn vương trên vai cảnh phục. Một lời thoảng nghe trong sóng biển, mưa rơi, em sẽ mãi không quên anh... Và tình cảm cứ nhân lên, lòng tôi xốn xang mong ngày gặp lại…


Giúp dân huyện Ba Chẽ di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.


Giúp dân thoát lũ quét lụt vây.


Huy động xuồng cao tốc đến các khu vực nước ngập úng sâu.


Nhiều CBCS ngâm mình dưới nước nhiều giờ liền, để tìm kiếm người bị nạn.

Bút ký của Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load