(Xây dựng) - Ngày 17/5, Tỉnh ủy Quảng Ninh họp nghe ý kiến tập thể các ngành và đã thống nhất tinh thần chỉ đạo Đề án phát triển nhà ở cho công nhân mỏ, người lao động trong các khu công nghiệp…
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị thống nhất chỉ đạo Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động. |
Vấn đề nhà ở cho công nhân mang tính an sinh xã hội, thu hút nhân tài và nguồn lực lao động… là một nội dung lớn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đề ra, đặc biệt để cụ thể hóa 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội của Đảng ta xác định.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Ninh đã xác định việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp là giải pháp then chốt. Các cấp bộ Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã quyết liệt chỉ đạo việc quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư…
Hiện, một số dự án nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp đã và đang được triển khai. Cụ thể, các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc đã triển khai gần 50 khu nhà ở cho công nhân mỏ, với tổng diện tích đất khoảng 59ha, trên 4.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân. Trên địa bàn tỉnh đã có 1 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành đưa vào sử dụng; 1 dự án đang triển khai xây dựng; 2 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, đang triển khai hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 2 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn.
Quảng Ninh đang mất cân đối về quỹ nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Nhiều nhà đầu cơ địa ốc có hàng trăm căn nhà đang mua đi bán lại, một sàn bất động sản trong tay có cả ngàn ô đất làm hàng hóa luân chuyển trên thị trường mà không có giá trị sử dụng. Quỹ nhà ở thương mại đủ để đáp ứng nhu cầu nhà ở các đô thị trong vòng 50 năm sau, song nghịch lý Quảng Ninh còn khoảng 9.000 công nhân đang làm việc trong các mỏ than không có nhà ở ổn định; khoảng 15.400 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) không có nhà ở. Lực lượng lao động thời vụ, lao động tự do, tạm trú… có khoảng 26.000 người đang phải thuê mướn nhà trọ, tá túc… rất cần căn nhà nhỏ của riêng mình để “an cư lập nghiệp” lâu dài.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng nhà ở, quỹ đất xây dựng nhà ở, dự báo nhu cầu nhà ở đến năm 2025, Đề án phát triển nhà ở cho công nhân mỏ, lao động trong các KCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc sinh sống tại Quảng Ninh xác định mục tiêu trọng tâm hỗ trợ, giải quyết căn bản nhu cầu của người công nhân, lao động đảm bảo phù hợp với thu nhập, khả năng chi trả; phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở cho công nhân mỏ, lao động trong KCN, nhu cầu còn lại sẽ đáp ứng trong giai đoạn 2026-2030; từng bước đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thu nhập thấp, thực hiện công bằng xã hội về nhà ở.
Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất: Đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân mỏ; công nhân lao động trong các KCN; đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc sinh sống tại Quảng Ninh và lực lượng lao động phổ thống cho các đô thị. Đây cũng là quyết sách mang tính đột phá vừa đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, vừa là giải pháp then chốt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô dân số của địa phương.
Khu chung cư công nhân của mỏ than Uông Bí ở phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí. |
Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Đề án phải được định hình trong tầm nhìn xa hơn là định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Về giải pháp thực hiện, ưu tiên hàng đầu là giải pháp về quy hoạch và đất đai với tư tưởng, tầm nhìn dài hạn. Trong đó, phải ưu tiên quy hoạch 5 nguồn quỹ đất để nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở cho thợ mỏ, người lao động trong các KCN, người có thu nhập thấp ở vùng đô thị; người nghèo, cận nghèo; cán bộ công chức viên chức, người lao động có kỹ năng về làm việc tại Quảng Ninh và những người dân thuộc diện tái định cư.
Đó là quỹ đất ở 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; quỹ đất khai trường mỏ than đã kết thúc khai thác, ở các vùng than, hoàn nguyên, hoàn thổ, các khu vực đổ thải tạo mặt bằng xây dựng đã ổn định ở các vùng than Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả; quỹ đất ở thuộc khu vực ven đô các KCN, ven các khu đô thị hiện hữu; quỹ đất xen kẹt nhưng đủ lớn nằm trong khu đô thị hiện hữu để tạo ra quỹ nhà ở công vụ và quỹ nhà ở tập thể; quỹ đất công ở những nơi do quy hoạch tạo ra chưa đấu giá, đấu thầu.
Về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân mỏ với nhu cầu lớn như hiện nay, tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về thủ tục, quy hoạch để chuyển đổi quỹ đất TKV đang quản lý để khuyến khích xây thêm nhiều khu nhà ở để phục vụ nhu cầu ổn định chỗ ở cho thợ mỏ.
Về nhà ở cho gia đình thợ mỏ, tỉnh sẽ tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất và sẽ định hướng để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khi có nhu cầu. Cùng với TKV , tỉnh sẽ kêu gọi nhà đầu tư ngoài ngành Than để tạo ra những quỹ nhà giá rẻ với sự đồng bộ về hạ tầng để gia đình thợ mỏ ngoại tỉnh đến Quảng Ninh sinh cơ lập nghiệp, góp phần tăng quy mô dân số bền vững. Phát triển làng công nhân mỏ, gìn giữ bản sắc, văn hóa của người thợ mỏ Quảng Ninh.
Đối với các giải pháp để phát triển nhà ở cho công nhân, lao động trong các KCN, cụm công nghiệp, Tỉnh ủy yêu cầu bám sát nội dung trong đề án. Từ nay đến cuối năm 2022, khởi động được một số dự án nhà ở cho công nhân, lao động, nhất là ở những nơi thuận tiện, tiếp cận thuận lợi với hạ tầng và có giá thành hấp dẫn. Cùng với đó, cần quan tâm phát triển nhà ở tái định cư khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ cho dân cư đô thị thu nhập thấp không có nhà ở; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh đang mất cân đối về quỹ nhà ở, thừa nhà ở thương mại, thiếu nhà ở xã hội. |
Cần phải có giải pháp về thu hút đầu tư, huy động vốn với sự tham gia của Nhà nước; doanh nghiệp, nhà đầu tư và đối tượng sử dụng để tạo ra quỹ nhà ở thương mại giá phù hợp, đồng bộ về hạ tầng và dễ tiếp cận cho các đối tượng người lao động có thu nhập thấp, công nhân mỏ, công nhân trong KCN, KKT và người lao động nói chung. Đồng thời, phải đảm bảo phân bổ ở các địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho người công nhân, lao động, người thu nhập thấp đều được tiếp cận với dự án nhà ở mang tính xã hội cao này.
Khi tổ chức thực hiện phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện phải đảm bảo theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định, đổi mới, sáng tạo, đột phá vì lợi ích nhân dân, lợi ích chung gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm là yếu tố quan trọng bảo đảm thành công của Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động.
Vũ Phong Cầm
Theo