(Xây dựng) - Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ngoài ra, thiên tai, hạn hán dẫn đến xâm nhập mặn khiến cho nguồn nước sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt tại các khu vực nông thôn ngày càng khan hiếm.
Nếu có một công trình cấp nước quy mô liên tỉnh thì người dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hạn chế thiếu nước sinh hoạt (Ảnh internet). |
Theo số liệu công bố, chỉ tính trong năm 2019 - 2020, tại ĐBSCL đã có khoảng 167 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng xâm nhập mặn; khoảng 96.000 hộ dân (tương ứng 430.000 người) đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Dù đã có tầm nhìn tổng thể, dài hạn nhưng bài toán khó này vẫn chưa giải được do nhiều vấn đề như nguồn nước, kinh phí, thói quen tự khai thác của người dân...
Còn nhiều bất cập
Theo nghiên cứu của Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NCERWASS), Khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 18 triệu người sinh sống, trong đó có khoảng 13 triệu dân sống ở khu vực nông thôn.
Khu vực này cũng có khoảng 360 nhà máy nước cấp nước tập trung với tổng công suất khoảng 1,1tr m3/ngày, cấp cho các đô thị và một số khu công nghiệp trong vùng. Trong đó, trên 30% nhà máy nước khai thác nguồn nước ngầm và 70% dùng nước mặt.
Tỷ lệ cấp nước trung bình từ hệ thống cấp nước đô thị từ 95,5% - 50,4%. Tiêu chuẩn cấp nước trung bình từ 100-120l/người/ngày. Như vậy có thể thấy, tỷ lệ dân số được cấp nước tại mỗi đô thị các tỉnh, thành rất khác nhau, đặc biệt đô thị có quy mô nhỏ như thị trấn, thị tứ, khu vực ngoại thị, đó là chưa kể đến khu vực nông thôn và khu vực đảo.
Sở Xây dựng Kiên Giang cho biết: Đến nay tổng suất các nhà máy nước khu vực đô thị đạt khoảng 58% so với nhu cầu dự báo quy hoạch. Tiến độ các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng mới nâng công suất nhà máy nước chậm so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ thất thu thất thoát nước sạch của các hệ thống còn cao so với chương trình quốc gia. Việc ký kết thỏa thuận dịch vụ, phân vùng, phê duyệt kế hoạch cấp nước hàng năm và dài hạn kiểm soát hợp đồng bán sỉ nước sạch chưa đạt so với kế hoạch được duyệt. Chưa lập, thẩm định, phê duyệt "kế hoạch cấp nước an toàn" theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Quy hoạch cấp nước thuộc các quy hoạch xây dựng đô thị cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế về chỉ tiêu cấp nước, dự báo nhu cầu, mạng lưới đường ống, phân vùng dùng cấp nước, kế hoạch cấp nước hàng năm và dài hạn, vị trí, quy mô, diện tích, công suất các công trình đầu mối.
Cà Mau là địa phương có phần lớn diện tích thấp, ngập nước ven biển, có nhiều cửa sông, cửa biển và dân cư sống rải rác dễ bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt gặp không ít khó khăn, tốn kém.
“Nhu cầu khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng cao, trung bình khoảng trên 150.000/ngày đêm, dự báo đến năm 2020 tăng lên khoảng 230.000m ngày đêm. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đã phải đối diện với nhiều vấn để như sụt lún, cạn kiệt, ở nhiễm nguồn tài nguyên nước ngầm. Theo đánh giá sơ bộ trong kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện cho thấy sự sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau trong vòng 15 năm ở nhiều nơi có thể từ 30cm - 70cm, bình quân khoảng 19cm - 28cm/năm. Dự báo nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì trong vòng 25 năm tới dự báo sụt lún sẽ lên đến 90cm. Điều đó sẽ làm cho địa hình tỉnh Cà Mau ngày càng thấp xuống cùng với nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hầu thì tỷ lệ diện tích bị ngập của tỉnh Cà Mau càng lớn hơn”, đại diện Sở Xây dựng Cà Mau tỏ ra lo lắng khi cho biết.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước do tỉnh Cà Mau được bao quanh bởi biển Đông và biển Tây nên tạo thành nhiều vùng giáp nước, điều này làm hạn chế sự lưu thông dòng chảy, nước từ nội đồng không thể thoát ra ngoài làm ô nhiễm nguồn nước mặt.
Tình trạng người dân tự khoan giếng để khai thác nước ngầm diễn ra tự phát, chính quyền địa phương không kiểm soát được việc trám lấp các giếng khoan hư hỏng, không còn sử dụng dẫn đến nguồn nước mặt bị ô nhiễm, xâm nhập mặn chảy thẩm thấu vào các tầng nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng các tầng nước ngầm.
Bến Tre cũng là 1 trong 13 tỉnh thành Vùng ĐBSCL có lượng nước mưa thấp, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất được khai thác chủ yếu từ sông rạch và nước ngầm. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 61%, bởi lượng nước ngầm tại Bến Tre có trữ lượng thấp, chất lượng trung bình. Hiện tại, tỉnh Bến Tre có 64 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động với công suất khoảng 200.000m3/ngày và chủ yếu khai thác nước mặt tại chỗ để xử lý . Tuy nhiên, gần đây tình trạng xâm nhập mặn trở nên phức tạp, kéo dài khiến cho nguồn nước tại các sông Hàm Luông, sông Cửa Đại, sông Cổ Chiên không có nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm theo định hướng giao cho doanh nghiệp triển khai, quy mô dự án lớn trong khi vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, việc huy động vốn khó khăn. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước vẫn còn hạn chế... Dự báo, khả năng cung cấp nước sạch tại Bến Tre sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Tiếng nói từ địa phương
Xuất phát từ nhu cầu của người dân và từ những bất cập trong quá trình quản lý, khai thác và cung cấp nước sạch, Sở Xây dựng Kiên Giang kiến nghị: Kiên Giang cần sớm được thực hiện Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL nhằm ưu tiên phát triển cấp nước an toàn đối với các vùng khó khăn về nguồn nước thuộc các khu vực đô thị, nông thôn ven biển, hải đảo đảo chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, tăng tỷ lệ bao phủ dịch vụ chống thất thu thất thoát nước sạch. Nắm rõ những khó khăn do khách quan và chủ quan đem lại nguyên nhân khan nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.
“Bến Tre cần có giải pháp tạo nguồn trữ nước tại chỗ thông qua các công trình thủy lợi. Do đặc thù của hệ thống cấp nước của Bến Tre chủ yếu là khai thác từ nguồn nước mặt nên việc hoàn thành các công trình thủy lợi có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện tỉnh đã hoàn thành hồ chứa nước ngọt kênh Lấp (sức chứa khoảng 1 triệu m3), đang thực hiện dự án hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (sức chứa khoảng 2,3 triệu m3). Ngoài ra, theo dự kiến đến năm 2025, khi các dự án thủy lợi lớn của tỉnh hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho các nhà máy nước, cần tăng cường năng lực xử lý nước nhiễm mặn của các nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh, có rất ít nhà máy được trang bị công nghệ xử lý nước nhiễm mặn vì chi phí cao, dẫn đến giá thành nước sạch vượt mức khung giá theo quy định”, Sở Xây dựng Bến Tre nói.
Do nguồn nước mặt tại Bến Tre nhiễm mặn và ô nhiễm ngày càng khốc liệt, rất khó khăn cho xử lý và giá thành cao. Do đó, việc xác định dẫn nước thô từ bên ngoài địa giới hành chính của tỉnh, từ vùng có nguồn nước ngọt, ít ô nhiễm về xử lý là giải pháp được chú trọng nhất trong các giải pháp cung cấp nước ngọt cho Bến Tre trước mắt cũng như lâu dài.
Dù đã nỗ lực tìm cách khắc phục nhưng tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt tại tỉnh Cà Mau, đặc biệt khu vực nông thôn vẫn kéo dài. Vì vậy, Sở Xây dựng Cà Mau có nhiều kiến nghị xung quanh vấn đề này, cụ thể cần xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước; rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về cấp nước. Trong đó, điều chỉnh các nghị định, thông tư hiện hành về cấp nước sạch sinh hoạt đô thị. Xây dựng nghị định về cấp nước sinh hoạt nông thôn; tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc tham gia Dự án cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (sử dụng nguồn vốn vay WB).
Các tổ chức hỗ trợ Cà Mau tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp.
Bên cạnh đó, Cà Mau cần được hỗ trợ về kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý nguồn nước mưa, nước mặt trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư các hồ chứa, công trình xử lý nước để có nguồn nước phục vụ nhân dân góp phần giảm thiểu việc khai thác nguồn nước ngầm.
Theo nhận định của Phòng Quản lý Cấp nước - Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL là phổ biến bởi biến đổi khí hậu, thiếu nguồn lực, do thói quen tự khai thác... và quan trọng là do thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước quy mô liên tỉnh; thiếu phối hợp giữa các địa phương để giải quyết mang tính liên kết vùng; trước diễn biến xâm nhập mặn, quy hoạch cấp nước chưa đưa ra được lộ trình thực hiện cập nhập và chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư và quy trình điều chỉnh quy hoạch còn nhiều công đoạn, liên quan tới nhiều Bộ, ngành và cơ chế chính sách liên quan.
Mai Thanh
Theo