Thứ hai 23/12/2024 01:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Hạ tầng “vỡ trận” vì khách du lịch quá tải:

Tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững

11:05 | 15/07/2022

(Xây dựng) – Trước thực trạng lượng du khách ngày một đông tại các điểm đến, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thì tính đủ mọi cách đáp ứng nhu cầu của người dân, còn chính quyền địa phương thì nỗ lực tìm các giải pháp phát triển du lịch bền vững, lâu dài.

tim giai phap phat trien du lich ben vung
Biển Sầm Sơn nổi tiếng vì lượng khách luôn kín đặc trong dịp lễ.

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Du lịch đang quay lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều lo ngại, đó là chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ. Năm 2022, Thanh Hóa chọn du lịch sự kiện làm điểm nhấn, với 50 sự kiện lớn nhỏ được tổ chức, đặc biệt các lễ hội, văn hóa, giải trí được tổ chức vào những ngày cuối tuần.

Tỉnh cũng đang hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong những năm qua, nhiều tuyến đường hiện đại, kết nối sân bay, các tuyến quốc lộ, các điểm du lịch đã được địa phương đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Ngoài ra, để du lịch ngày càng phát triển, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử...

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở dĩ Thanh Hóa đón được lượng khách lớn, đứng trong Top đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm là do nhiều yếu tố, trong đó một phần là nhờ tỉnh đã nhanh nhạy mở cửa du lịch đúng thời điểm. Ngay khi Thủ tướng yêu cầu phải mở cửa du lịch ngày 15/3, địa phương đã lập tức lên kế hoạch mở cửa kích cầu du lịch.

Với những lợi thế sẵn có về bờ biển, du lịch biển là một trong những thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Theo ông Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đánh giá, sản phẩm du lịch biển của Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để vươn lên trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có vị thế cạnh tranh cao so với các điểm đến trong nước và một số nước trong khu vực.

Tuy nhiên, để làm được điều này, sản phẩm du lịch biển xứ Thanh cần được nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm, lấy đó làm cơ sở để đẩy mặt bằng giá dịch vụ và tăng khả năng chi tiêu của du khách, đặc biệt là hướng tới dòng khách MICE, khách quốc tế có khả năng chi trả cao.

Đại diện Sở Du lịch Hải Phòng cho rằng: So với lợi thế về tiềm năng và yêu cầu đặt ra đối với mục tiêu phát triển, du lịch Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế so với các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

tim giai phap phat trien du lich ben vung
Cần đầu tư những tuyến đường kết nối vùng, miền.

Những năm gần đây, Hải Phòng đã tập trung triển khai các dự án phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng, kết nối các địa phương lân cận, như: tuyến đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện; nâng cấp đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi kết nối với các trung tâm du lịch của cả nước; đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường ven biển Cát Bà. Tuy nhiên, hiện nay, từ Hà Nội ra tới Cát Bà, di chuyển ra vịnh Lan Hạ, khách du lịch phải trải qua chặng đường gần 6 tiếng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên thành phố này cần phải giải quyết những hạn chế như: tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách; vấn đề môi trường du lịch chưa được xử lý dứt điểm nhất là vào dịp cao điểm khách du lịch nội địa; tình trạng quá tải điểm đến đã diễn ra gây bức xúc cho khách du lịch; các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị... còn thiếu chưa đáp ứng điều kiện tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế.

Tình trạng quá tải ở Phú Quốc đang lộ rõ những bất cập sau đại dịch, việc phải đưa ra nhiều phương án để xử lý, giải quyết cần phải chủ động, sáng tạo và vì cộng đồng hơn. Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc cấp phép xây dựng các dự án bất động sản dày đặc dẫn tới quá tải hạ tầng; việc quản lý quy hoạch ở Phú Quốc đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú và đa dạng, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã từng bước đầu tư khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch có lợi thế, bao gồm: du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đang tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, nông thôn (gắn với nông nghiệp công nghệ cao), du lịch biển, du lịch du thuyền trên sông, du lịch vui chơi giải trí, du lịch giáo dục…

tim giai phap phat trien du lich ben vung
Ninh Bình đã từng bước đầu tư, khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch có lợi thế.

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 90 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, kết nối trung tâm thành phố Ninh Bình với 17 khu, điểm du lịch; đưa vào hoạt động hơn 700 cơ sở lưu trú du lịch, với 8.660 phòng nghỉ. Tốc độ tăng trưởng khách khá cao, bình quân đạt 12% năm. Năm 2019, đón được 7,65 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế và hơn 900.000 khách lưu trú, doanh thu đạt trên 3.600 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 21.000 lao động địa phương.

6 tháng đầu năm 2022, du lịch Ninh Bình đã đón được 1,78 triệu lượt khách, trong đó có 348.000 khách lưu trú, doanh thu trên 1.036 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 15.000 người. Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín quốc tế (tripadvisor, telegraph, business insider...) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, điểm đến hiếu khách nhất và điểm đến được yêu thích nhất.

Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình cũng tồn tại bất cập về trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Cần phát triển du lịch bền vững

Du lịch là một trong những ngành lớn nhất, không ngừng phát triển và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Du lịch bền vững tìm cách duy trì số lượng, chất lượng và năng suất của cả hệ thống tài nguyên thiên nhiên và con người theo thời gian, đồng thời tôn trọng và thích ứng với các động lực của hệ thống đó.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du lịch bền vững là du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hiện tại và các khu vực tiếp nhận đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho tương lai. Mục tiêu là duy trì các lợi thế kinh tế và xã hội khi phát triển du lịch đồng thời giảm thiểu bất kỳ tác động không mong muốn nào đến môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hóa xã hội tại địa bàn liên quan.

tim giai phap phat trien du lich ben vung
Du lịch bền vững là du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hiện tại và các khu vực tiếp nhận đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho tương lai.

Nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, du lịch bền vững cung cấp các động lực kinh tế quan trọng để bảo vệ môi trường sống. Nguồn thu từ du khách thường được chuyển trở lại các chương trình bảo tồn thiên nhiên hoặc nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương để quản lý các khu bảo tồn…

Thực tế, Việt Nam là quốc gia rất có lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam có hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và hơn 30 vườn quốc gia, trong đó có 6 vườn di sản ASEAN còn giữ gần như nguyên vẹn về hệ sinh thái, đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Đặc biệt là tài nguyên 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp và là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới l (Vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang).

tim giai phap phat trien du lich ben vung
Vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, xây dựng ngành Du lịch bền vững vẫn đang là mục tiêu của nhiều quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam - nơi mà cấp độ hiện tại chủ yếu là du lịch đại chúng.

Theo Th.s Nguyễn Thị Thùy Linh (Khoa du lịch khách sạn – Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuât công nghiệp) thì một trong những giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam là đầu tư đồng bộ để khai thác một cách có hiệu quả tài nguyên sẵn có, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo vệ môi trường và thay đổi cách làm du lịch vốn chỉ dựa dẫm vào thiên nhiên. Thực tế, giải pháp đó đã đem đến cho du lịch Việt Nam một sự thay đổi mạnh mẽ trong vòng 5 năm qua, khi ngành Du lịch mở cửa, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân lớn đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch.

Kim Oanh – Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load