(Xây dựng) - Mùa du lịch hè đã đi qua nửa chặng đường nhưng nhiều nơi đã rơi vào tình trạng “vỡ trận” bởi sự đổ bộ mạnh của số lượng lớn du khách. Điều này đã gây ra hoặc làm nghiêm trọng thêm tình trạng ùn tắc, ô nhiễm ở nhiều điểm đến và gia tăng áp lực lên hạ tầng du lịch.
Các dịch vụ thăm quan nổi tiếng luôn hút khách nội địa. |
Đắn đo lựa chọn điểm đến
Hiện nay, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của người dân đã tăng cao nhưng nội địa vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của du khách Việt để đảm bảo an toàn và kinh phí phù hợp. Những điểm đến trong mùa hè này được các gia đình ưu tiên như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Sapa, Hạ Long, Sầm Sơn... vì đúng vào dịp học sinh được nghỉ hè và các công ty cũng kết hợp du lịch, hội thảo, hội nghị. Chính vì thế, những nơi này, các dịch vụ thăm quan, ăn uống, vui chơi giải trí trở nên quá tải. Tình trạng du khách xếp hàng đợi hàng dài để checkin ở sân bay, bến tàu, khách sạn, khu vui chơi trở nên phổ biến.
Chị Phương Thảo (Phú Thọ) đã rất cân nhắc cho chuyến du lịch mùa hè này của Công ty bởi sau khi liên hệ với đơn vị đại lý vé máy bay và các dịch vụ ăn nghỉ vui chơi tại Phú Quốc, kinh phí cho chuyến đi là rất cao. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chị, thì Phú Quốc dịp này rất đông du khách, nên các dịch vụ đã trở nên quá tải. Chính vì vậy, chị quyết định chọn một địa điểm du lịch sinh thái ngoài Bắc để nhân viên Công ty vừa được du lịch và nghỉ ngơi thư thái đúng nghĩa.
Thực tế thì ở những điểm vui chơi nổi tiếng ở Phú Quốc như: Cáp treo Hòn Thơm, công viên chủ đề VinWonders Phú Quốc, Safari Phú Quốc dịp hè này lúc nào cũng có hàng ngàn lượt khách du lịch đến vui chơi. Từ đầu quý II, lượng khách đến Phú Quốc bằng tàu cao tốc và phà đã tăng mạnh. Nhiều người cho biết phải đặt vé từ rất sớm mới mua được vé. Các chuyến tàu về đất liền cũng hết vé từ rất sớm. Đặc biệt, trong những ngày cận dịp lễ, chuyện mua vé là gần như không thể. Hầu hết các resort, khách sạn tại thị trấn Dương Đông - khu vực trung tâm của huyện Phú Quốc - cũng đều không còn phòng trống.
Chị Hoàng Anh, 25 tuổi, cùng gia đình đang có chuyến du lịch Phú Quốc 4 ngày. Chị chia sẻ cả gia đình đã lên kế hoạch và đặt phòng, vé máy bay từ 3 tháng trước để giảm chi phí. Vì đến dịp nghỉ hè, lượng khách đi Phú Quốc rất đông, vé máy bay tăng và lựa chọn phòng trở nên khó khăn. Và thực tế, mặc dù Phú Quốc đã có nhiều khu vui chơi, giải trí hiện đại, đẳng cấp nhưng mấy ngày trải nghiệm ở đây, chị thấy chỗ nào cũng kín khách, quá tải. Dịch vụ thuê xe, tàu đi thăm quan cũng phải đợi chờ mòn mỏi. Các nhà hàng thì luôn ở trong tình trạng quá tải.
Tình trạng ùn ứ phổ biến ở nhiều nơi. |
Theo báo cáo của Sở Du lịch Kiên Giang, tháng 5 Phú Quốc đón hơn 378.000 lượt khách, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm, thành phố đảo đã đón gần 2 triệu lượt khách, đạt 51,6% kế hoạch năm.
Công suất phòng lưu trú ở Phú Quốc đạt trên 80%, phân khúc khách sạn từ 3-5 sao đạt trên 95%. Các đơn vị du lịch phải tuyển dụng thêm nhân lực để đáp ứng lượng du khách đến Phú Quốc tăng cao. Không chỉ cháy vé tàu, vé phà vào dịp lễ mà kể cả những ngày không phải nghỉ lễ Phú Quốc vẫn có rất đông du khách tìm đến.
Ghi nhận tại một số khu du lịch phía Bắc, khi du lịch mở cửa sau hơn 2 năm đóng băng vì dịch Covid-19, đặc biệt là sức nóng của mùa du lịch hè, du lịch biển tại Hải Phòng và Thanh Hóa trở nên quá tải vì hút khách.
Bến phà Gót - Cái Viềng quá tải, ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng quá đông dịp nghỉ lễ (Ảnh: Internet). |
Mặc dù sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, nhưng đảo Cát Bà vẫn là điểm đến e dè của nhiều du khách bởi tình trạng bãi biển Cát Cò 1 và Cát Cò 3 luôn chật kín du khách vào mùa hè này. Không chỉ vật, rất nhiều du khách kể đã phải đợi phà mòn mỏi mấy tiếng đồng hồ, thậm chí nhiều xe đã phải đổi hướng vì thấy tình trạng ùn ứ không biết đến bao giờ tan ở ngay cung đường đến đảo. Chính vì thế, nhiều ý kiến đã tư vấn lựa chọn đi Cát Bà vào dịp thuận lợi để tránh mệt mỏi.
Chị Lê Quỳnh Như (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, tháng 6 vừa qua, gia đình chị có lên kế hoạch đi du lịch Cát Bà (Hải Phòng), gia đình có liên hệ đặt phòng khách sạn nhưng khách sạn nào cũng thông báo hết phòng. Sau khi lùi thời gian lại hơn một tuần, gia đình chị cũng đặt được khách sạn, tuy nhiên khi đến phà Gót - Cái Viềng, gia đình chị phải vật vạ hơn 4 tiếng đồng hồ mới có thể lên được phà để ra đảo Cát Bà.
Tại Thanh Hoá, trong đợt nắng nóng gay gắt vừa qua, tại các bãi biển Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) luôn đông kín người dân. Các khách sạn, nhà hàng phải phục vụ hết công suất để đón khách.
Bà Thanh Nga (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, để tránh thời tiết nắng nóng, cùng thời gian các cháu được nghỉ hè, gia đình bà đã lựa chọn du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, lựa chọn vào dịp cao điểm du lịch hè, lại sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian dài, nhiều nhà hàng, khách đã cho nhân viên nghỉ việc, hiện chưa tuyển kịp người và người tuyển mới thì chưa được đào tạo lâu nên dẫn tới không đủ người để phục vụ khách hàng được chu đáo.
Bãi biển khu du lịch biển Hải Tiến đông nghịt du khách vào dịp nghỉ lễ (Ảnh: Internet). |
Quá tải các cơ sở dịch vụ, hạ tầng du lịch
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ 60,8 triệu lượt khách nội địa, gấp hơn 1,5 lần lượng khách nội địa cả năm 2021. Đặc biệt, chỉ trong tháng 5 và 6/2022, lượng khách đã tăng cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây - lần lượt là 12 triệu và 12,2 triệu lượt khách.
Theo thống kê, sản lượng vận chuyển tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đang quay trở lại mức tăng trưởng “nóng”, vượt công suất thiết kế của nhà ga hành khách quốc nội. Đại diện Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, mỗi ngày sản lượng hành khách đều liên tục lập đỉnh mới. Dự báo đầu tháng 7.2022, con số này có thể lên tới 110.000 lượt khách. Tính trung bình, sản lượng bay quốc nội tại Nội Bài đang tăng trưởng ngoạn mục, tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, thời điểm đỉnh cao trước khi có dịch Covid-19. Mức sản lượng vận chuyển nội địa cao điểm hè 2022 tại Cảng đã vượt quá công suất thiết kế của Nhà ga hành khách T1.
Sản lượng bay nội địa đang tăng ngoạn mục. |
Một đơn vị tổ chức Tour du lịch nhận định, khách Việt vẫn ưu tiên du lịch nội địa nên mới chỉ vào đầu mùa hè, doanh thu của công ty vượt hơn so với kế hoạch đề ra. Nhóm khách du lịch hiện nay vẫn thường sử dụng các dịch vụ cao cấp, cơ sở lưu trú 4-5 sao... vì thế dòng sản phẩm này cũng trở nên nhộn nhịp. Do lượng du khách đông đột biến, nhiều Công ty lữ hành phải chọn phương án cân nhắc để nhận lượng khách phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ.
Để chuẩn bị phục vụ cho những đoàn khách lên đến 300- 500 người, nhiều công ty lữ hành đã phải huy động tổng lực nhân sự. Các kế hoạch sẽ thay đổi liên tục do lượng khách đi lại bằng đường hàng không quá đông, trong khi hạ tầng hàng không chưa đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng hoãn, hủy chuyến thường xuyên, gây bức xúc cho nhiều hành khách. Vì quen với tình trạng hủy, hoãn chuyến nên chương trình tour du lịch mùa này bao giờ cũng phải có kế hoạch dự phòng, khiến các đơn vị chạy đôn chạy đáo.
Chuẩn bị phục vụ những đoàn khách đông, các Công ty lữ hành luôn phải chạy đôn chạy đáo (Ảnh: Đình Khoẻ) |
Theo nhận định, lượng khách du lịch nội địa thường chỉ đông vào mùa hè và tập trung ở một số địa phương có sản phẩm du lịch phong phú nên diễn ra tình trạng thiếu cơ sở lưu trú, quá tải dịch vụ ăn uống, vui chơi, tắc đường, tắc cầu phà… Từ khi hết giãn cách xã hội, du lịch Việt Nam trở nên “căng thẳng” và khan hiếm dịch vụ khiến doanh nghiệp lữ hành, vận tải vừa mừng vừa lo. Mừng vì đông khách thì doanh thu tăng nhưng nhân sự để phục vụ.
Ông Lương Duy Ngân - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Tập đoàn Ngôi Sao mới nhận định: Sau dịch, du khách nội địa đã không đi du lịch theo nhu cầu như trước. Bởi sau 2 năm dồn nén, nên đến năm 2022, tình hình dịch được kiểm soát, mọi người đổ xô đi du lịch như để lấy lại cân bằng nên nhu cầu tăng đột biến. Khách du lịch nội địa vẫn lựa chọn điểm đến an toàn hoặc những vùng biển.
Thời gian dịch, các hoạt động đầu tư ngừng trệ nên hạ tầng chưa bắt kịp với lượng khách tăng đột biến. Đồng nghĩa với việc, khi khách đến ồ ạt mà hạ tầng cơ sở, hoạt động xây dựng kiến thiết đầu tư cho hạ tầng không đồng bộ thì sẽ dẫn đến quá tải. Hạ tầng du lịch thiếu như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống gây ùn ứ, ảnh hưởng môi trường và chất lượng dịch vụ không được đảm bảo.
Có thể thấy là nguồn nhân lực du lịch hiện nay đang bị thiếu rất nhiều vì họ bị nghỉ trong thời gian dài và chuyển nghề. Nên nguồn nhân lực cần được bổ sung và đào tạo kịp thời. Dự kiến phải đến quý II/2023 nếu tình hình dịch được kiểm soát, mọi thứ mới có thể được quay trở lại như trước đây.
Huyền Nhi Linh
Theo