(Xây dựng)- Năm 2024, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, hầu bao du khách còn chật vật, đời sống người dân trong nước còn nặng gánh cơm áo gạo tiền. Mặc dù vậy, nhưng tín hiệu đáng mừng cho ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là năm 2024 đón 52.117.637 lượt khách, tăng 15,94% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế 2.809.748 lượt, tăng 49,44% so với năm 2023; khách nội địa 49.307.889 lượt tăng 14,47% so với năm 2023. Doanh thu ước khoảng 62.239 tỷ đồng, tăng 36,06 % so với năm trước…
Nhiều du khách tham quan đường hoa Cần Thơ. |
Những địa phương top đầu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thiên nhiên đã ban tặng cho Đồng bằng sông Cửu Long tài nguyên du lịch quý giá, phong phú: sông nước, ruộng vườn, núi rừng, biển đảo… Đó là những tiềm năng, danh lam thắng cảnh để gợi lòng khách du. Mỗi địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng, thế mạnh khác nhau nhưng đều là nơi lý tưởng đề du khách gần xa tham quan, trải nghiệm khám phá sông nước miệt vườn hay nghỉ dưỡng biển đảo Phú Quốc xinh đẹp…
Trong 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì Kiên Giang - nơi có thành phố biển đảo Phú Quốc được xem là nơi có tài nguyên du lịch phong phú nhất. Kiên Giang có cả núi rừng, biển đảo xinh đẹp. Năm 2024, Tạp chí du lịch nổi tiếng Mỹ Travel & Leisure công bố danh sách 25 đảo và quần đảo đẹp nhất thế giới, và đảo Phú Quốc đã đứng vị trí thứ hai sau Maldives. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 20-30 chuyến bay đưa khách du lịch đến Phú Quốc. Du khách đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Cộng hòa Séc, Ấn Độ…
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang thông tin cho biết: Năm 2024, Kiên Giang đón được 9,8 triệu lượt khách trong và ngoài nước, vượt 7,2% so với kế hoạch năm, tăng 15,56% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt gần 01 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 25.141 tỷ đồng, dẫn đầu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng song Cửu Long về lượt khách và doanh thu.
Vị trí thứ 2 về thu hút du lịch là tỉnh An Giang. Nói đến An Giang du khách thường nghĩ đến Thất Sơn hùng vĩ, huyền thoại, những cung đường đẹp nên thơ rợp bóng thốt nốt và trâm rừng để du lịch Caravan chinh phục khám phá “Nóc nhà của miền Tây”. Hay trải nghiệm du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc các loại hình du lịch mạo hiểm như biểu diễn dù lượn có động cơ và không có động cơ, check in Ngày hội khinh khí cầu… Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, năm 2024, ngành Du lịch An Giang đã nỗ lực xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó tập trung phát triển: Khu du lịch Núi Sam, Núi Cấm, Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê… theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương khai thác các tour tuyến du lịch mới.
Trong những ngày đón năm mới 2025, Khu du lịch núi Cấm thuộc dãy Thất Sơn đón khoảng 10.000 khách/ngày. Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, năm 2024, An Giang đã đón khoảng 9,1 triệu lượt khách, là một trong những tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có lượng du khách nhiều nhất vùng.
Lễ hội Bà chúa xứ Núi Sam thu hút nhiều du khách. |
Cần Thơ mệnh danh là đô thị miền sông nước, với chợ nổi Cái Răng nổi tiếng thế giới, điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong năm 2024, Cần Thơ đã đón 6,3 triệu lượt khách tham quan và du lịch, tăng 6% so với năm 2023, vượt 104,4% so với kế hoạch đề ra. Lượng khách lưu trú đạt hơn 3,1 triệu lượt, tăng 5% và hoàn thành 101,4% mục tiêu năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 6.226 tỷ đồng, tăng 15%, vượt 103,8% kế hoạch năm.
Chỉ tính riêng Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ đã đón 25,2 triệu lượt du khách, chiếm gần 50% lượng khách toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những địa phương top đầu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn nhiều dư địa để phát triển du lịch
Mặc dù sau đại dịch Covid-19, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã khởi sắc trở lại nhưng theo các chuyên gia du lịch nhận định Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều dư địa để phát triển du lịch. Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thông tin cho biết: Năm 2024, cơ hội và thách thức đan xen với nhau nhưng ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục phục hồi, phát triển, đón 52.117.637 lượt khách, tăng 15,94% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế 2.809.748 lượt, tăng 49,44% so với năm 2023; khách nội địa 49.307.889 lượt tăng 14,47% so với năm 2023. Doanh thu ước khoảng 62.239 tỷ đồng, tăng 36,06 % so với năm 2023. Kết quả này hơn nhiều so với con số ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đạt được năm 2019 (trước dịch bệnh Covid-19) cho thấy bức tranh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã tươi sáng hơn.
Theo Quy hoạch phát triển không gian du lịch du lịch Việt Nam, gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Trong đó, Quy hoạch hệ thống du lịch đã định hướng phát triển và liên kết 6 vùng du lịch: vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng du lịch này phù hợp với phân vùng kinh tế - xã hội của Quy hoạch tổng thể quốc gia; định hướng phát triển từng vùng qua thế mạnh tài nguyên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Quy hoạch hệ thống du lịch đã định hướng xây dựng và hình thành 08 khu động lực phát triển du lịch để tập trung nguồn lực phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan toả, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch gồm: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Thanh Hoá – Nghệ An – Hà Tỉnh; Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam; Khánh Hoà – Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận; Thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa-Vũng Tàu; Cần Thơ – Kiên Giang – Cà Mau; Lào Cai – Hà Giang; Hoà Bình – Sơn La – Điện Biên.
Khách du lịch tham quan trải nghiệm thị trấn Hoàng Hôn tại Phú Quốc. |
Quy hoạch hệ thống du lịch đã định hướng phát triển 11 trung tâm du lịch gắn với đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, gồm: Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang).
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã được xác định là 1 trong 6 vùng du lịch quốc gia; Cần Thơ – Kiên Giang – Cà Mau là 1 trong 8 khu vực động lực phát triển du lịch; Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang) là 2 trong 11 trung tâm du lịch gắn với đô thị và 8 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia (Ninh Kiều – thành phố Cần Thơ; Thới Sơn - Tiền Giang; Mang Thít - Vĩnh Long; Lung Ngọc Hoàng - Hậu Giang; Tràm Chim - Đồng Tháp; Hà Tiên - Kiên Giang; Nhà Mát - Bạc Liêu; Mũi Cà Mau - Cà Mau).
Nhằm góp phần phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long xứng tầm và đạt được mục tiêu như Quy hoạch đề ra, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh thành trong cả nước; phát triển thị trường và sản phẩm du lịch đặc thù đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch… Ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long quyết tâm xây dựng, phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nỗ lực vươn lên “bằng anh, bằng chị” để xứng tầm là 1 trong 6 vùng du lịch quốc gia như mục tiêu Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.”
Huỳnh Biển
Theo