(Xây dựng) – Đó là chủ đề của buổi Tọa đàm do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tại diễn đàn lần này các chuyên gia đến từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam đã có những trao đổi dưới góc nhìn đa dạng và sâu sắc tập trung vào nhiều vấn đề liên quan.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. |
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua rất nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là từ năm 2010 chúng ta đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và cho đến thời điểm này đã có khoảng 16 Thông tư, 2 Nghị định và 2 Quyết định cuả Thủ tướng Chính phủ cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Đây là những văn bản hiện hành cho đến thời điểm này và có thể thấy việc ban hành các văn bản chính sách góp phần cho chúng ta tiết kiệm từ 5 đến 7% cho giai đoạn trước.
Với mục tiêu đó, năm 2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 280 với chương trình mục tiêu quốc gia thì chúng ta tiếp tục đặt mục tiêu là từ 7% đến khoảng 10% năm 2025, đến 2030 chúng ta phải tiết kiệm được khoảng 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường.
Đánh giá về thực trạng sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay và tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng như đóng góp của các cơ sở sản xuất trong việc thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN chia sẻ: “Trong năm 2023 và đặc biệt là 7 tháng đầu năm 2024 tốc độ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt tăng trưởng về điện; năm 2023 chỉ đạt được 4,29%, tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng về điện đạt mức 14%”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Dũng nhận định vẫn có một số khó khăn đối với các doanh nghiệp. Thứ nhất, đối với một số doanh nghiệp, nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện vẫn còn hạn chế, có những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện và thậm chí không đủ năng lực hay cũng chưa tiếp cận được với những công nghệ hoặc khó khăn về mặt tài chính.
“Đây là một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp và thêm vào đó là nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí”, ông Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá về thực trạng sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay. |
Thứ hai là về chính sách. Giá điện hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được ban hành từ năm 2014. Giá phụ thuộc vào các cấp điện áp. Thế nhưng chúng ta cũng thấy rằng đối với giá giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ khoảng độ 84 - 92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52 đến 59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất là lớn. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng từ 20 - 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê đánh giá của Bộ Công Thương thậm chí lên tới khoảng 30 - 35%. Đây là con số rất lớn về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong cung cấp giải pháp về phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay, ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho biết, thực sự tiết kiệm năng lượng có tác động rất lớn với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nếu không có yêu cầu về tiết kiệm năng lượng dẫn đến chi phí tiếp tục tăng cao và dẫn đến giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đặc biệt khi nói về thị trường xuất khẩu, hiện giờ tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang rất chú trọng vào việc thống kê và sử dụng phát thải carbon khi sản xuất sản phẩm. Nếu chúng ta tiết kiệm năng lượng tốt, thông qua đó giảm khí thải carbon tốt, đó là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng để giúp chúng ta có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.
Để giải quyết những khó khăn trên, tại Tọa đàm, ông Đặng Hải Dũng đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm tăng cường quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Theo ông Đặng Hải Dũng, triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó Bộ Công Thương sẽ phải thể chế hóa một số nhiệm vụ đặt ra của Nghị quyết 55 có việc chúng ta phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Những vấn chủ yếu chúng ta gặp khó khăn khi triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng chủ yếu vẫn là vấn đề về công nghệ, nguồn vốn và con người. Liên quan đến công nghệ thường liên quan đến việc đầu tư các trang thiết bị và khi có đầu tư này thường đòi hỏi các nguồn vốn vay tương đối hấp dẫn và có khả năng chi trả cho trong quá trình vay trả. Vì vậy một trong những yêu cầu đặt ra rất quan trọng, thứ nhất là chúng ta sẽ cố gắng để trình Quốc hội xây dựng một quỹ để hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho biết, thực sự tiết kiệm năng lượng có tác động rất lớn với doanh nghiệp. |
Giải pháp thứ hai là bên cạnh quỹ chúng ta cũng sẽ tăng cường việc quản lý Nhà nước các quy định về các mức tiêu hao năng lượng trong các ngành Công nghiệp lớn, tức là chúng ta sẽ phải sửa đổi mức tiêu thụ năng lượng xuống để đưa ra được nhiều hoạt động về quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn.
Vấn đề thứ ba về con người, cần tăng cường đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực. Bởi vì khi công nghệ mới vào chúng ta cũng phải có sự chuẩn bị về con người thích hợp, thích nghi để có thể tiếp cận hoặc vận hành các công nghệ mới. Đặc biệt chúng ta có thể thấy thời gian gần đây thì các công nghệ mới liên tục được đưa ra như: Công nghệ blockchain, AI, công nghệ điện toán đám mây...
Toàn cảnh Tọa đàm. |
Tất cả những công nghệ này, ông Đặng Hải Dũng dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quản lý các dây chuyền sản xuất và kể cả những hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ hỗ trợ nhiều trong việc ra quyết định của doanh nghiệp.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) được phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đề ra với mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 5% - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai trong giai đoạn 2019-2025 và từ 8% - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong cả giai đoạn từ 2019-2030. Để đạt được mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai, qua đó ghi nhận những kết quả khả quan sau hơn 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất lớn và còn nhiều việc phải làm. |
Mộc Miên
Theo