Thứ bảy 05/10/2024 20:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thuế tăng, vẫn xuất khẩu phôi thép

14:16 | 03/07/2008
 

Nhiều DN vẫn đang xuất khẩu phôi thép trong khi nguyện liệu
để sản xuất thép mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu.
 
Thuế tăng, DN vẫn xuất khẩu phôi thép
 
Theo các DN sản xuất phôi cho biết, dù thuế xuất khẩu phôi tăng lên 10% nhưng họ vẫn phải tiếp tục xuất khẩu phôi do không tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Bởi việc kiềm chế giá bán thép để khống chế lạm phát từ tháng 3/2008 làm cho giá thép trong nước hiện chưa tới 1.000 USD/tấn, trong khi giá phôi chào bán hiện đã lên tới 1.200 USD/tấn. Giá thép thành phẩm thấp hơn giá phôi khiến hầu hết các DN không dám ký thêm hợp đồng mua phôi mới vì càng sản xuất càng lỗ. Các DN có dự trữ phôi lớn thì tìm cách tái xuất.
 
Cùng với đó là sự thắt chặt cho vay tín dụng của các ngân hàng, thép trong nước tiêu thụ chậm đã tạo ra sức ép về vốn đối với các Cty sản xuất thép, nhất là những Cty không có tiềm lực mạnh về tài chính. Như Cty Gang thép Vạn Lợi, hiện DN này đang tồn hơn 30.000 tấn phôi thép, trong khi đó số nợ đã lên tới hơn 300 tỷ đồng. Hạn mức tín dụng lưu động các ngân hàng dành cho Cty chỉ là 200 tỷ đồng/năm đã sử dụng hết không thể vay thêm được nữa, nếu không xuất khẩu phôi sẽ không có tiền để thanh toán nợ và chỉ còn cách tạm dừng sản xuất.
 
Mặt khác, giá xuất khẩu phôi và thép đều cao hơn giá bán trong nước khoảng 100 USD/tấn, nếu trừ đi 10% thuế xuất khẩu thì DN vẫn có lãi, dù ít hơn. Nhất là khi khoảng cách giữa giá công bố của ngân hàng và giá giao dịch thực tế đô la Mỹ chênh lệch quá lớn làm cho DN thép không có đủ đô la để trả tiền mua nguyên liệu và trả nợ các khoản vay đầu tư. Vì vậy, tình trạng các DN tiếp tục xuất khẩu phôi là không tránh khỏi nếu không được tháo gỡ khó khăn kịp thời.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 6, các DN đã xuất khẩu 37.000 tấn phôi. Còn lại có 3 đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu phôi trong tháng 6 lên tới hơn 86.000 tấn. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm cả nước mới xuất khẩu hơn 7.000 tấn. Tình trạng này khiến không ít các nhà kinh tế lo ngại sẽ dẫn tới tình trạng khủng hoảng nguyên liệu sản xuất thép vì hiện nay Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu phôi thép.
 
Cần tháo gỡ khó khăn cho các DN thép
 
Trước tình hình khó khăn của các DN sản xuất thép và nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu sản xuất, trong báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu thép, VSA đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh ngay giá bán thép xây dựng tăng dần để sát với giá thị trường khu vực và thế giới, đảm bảo các Cty mua nguyên liệu về phục vụ sản xuất thép và bán sản phẩm ở Việt Nam không bị lỗ. VSA cũng đề nghị Nhà nước có biện pháp tài chính hữu hiệu và thực tế để đảm bảo tín dụng cho các Cty tiếp tục duy trì sản xuất, cung cấp đủ ngoại tệ cho các Cty sản xuất thép mua nguyên liệu sản xuất và thanh toán các khoản nợ đầu tư bằng ngoại tệ, với tỷ giá đúng với tỷ giá ngân hàng công bố. Giải ngân kịp thời cho các công trình đầu tư có hiệu quả để tạo đầu ra cho ngành thép.
 
Theo VSA, việc xuất khẩu phôi và tái xuất nguyên liệu thép là hiện tượng bất đắc dĩ đối với các đơn vị sản xuất thép. Tình trạng này sẽ dẫn tới cạn kiệt nguyên liệu sản xuất vào những tháng tới. Khi đó, thị trường sẽ thiếu thép, buộc phải nhập khẩu với giá rất cao. Và như vậy cũng đồng nghĩa với mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ không thực hiện được.

Lan Anh (BXD số 54/2008)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load