Chủ nhật 05/05/2024 03:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thực tế cơ sở y tế ở TP.HCM: Thúc tiến độ giải ngân công trình y tế

16:36 | 07/10/2022

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều dự án xây mới cơ sở y tế với số vốn đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhưng tiến độ thi công rất chậm, nhiều dự án vẫn chưa được triển khai.

thuc te co so y te o tphcm thuc tien do giai ngan cong trinh y te
Công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn bị chậm tiến độ so với kế hoạch. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trong khi trụ sở của các trạm y tế, bệnh viện cũ, xuống cấp không đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, phục vụ người dân, nhiều công trình xây dựng mới trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng tiến độ thi công “ì ạch.” Nhiều dự án còn nằm trên giấy.

Nhiều công trình chậm tiến độ

Cuối tháng 9/2022, công trình Dự án cải tạo, xây dựng Bệnh viện An Bình giai đoạn 2 vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Dù có vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 20.000m2 nhưng tại hiện trường, chỉ có khoảng hơn 10 công nhân cùng 2 chiếc máy cẩu và 1 máy xúc đang làm việc.

Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình, cho biết công trình khi hoàn thành sẽ thay thế một số khu khám, chữa bệnh đã xuống cấp trầm trọng của bệnh viện.

Khởi công từ tháng 11/2021 nhưng do một số nguyên nhân khách quan như dịch COVID-19 phức tạp nên đến tháng 2/2022, công trình mới bắt đầu thi công. Tuy nhiên, hiện việc thi công được tiến hành rất chậm; trong khi theo kế hoạch, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.

Tương tự, công trình xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi tại ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi là một trong ba công trình y tế trọng điểm của khu vực cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh.

Có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh trên tổng diện tích 60.000m2, công trình khởi công từ tháng 1/2021 và dự kiến sẽ hoàn thành trong 36 tháng.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ thi công của công trình này rất chậm.

Hơn 3 năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trở nên ngổn ngang khi đơn vị xây mới 3 khối nhà: Khối nhà số 2 (Trung tâm chuyên sâu Tim mạch), Khối nhà số 4A (Khu khám bệnh và Khối ngoại khoa), Khối nhà số 5B (Trung tâm chuyên sâu Sơ sinh).

Khởi công từ năm 2019, dự kiến đến cuối năm 2021, cả 3 tòa nhà này sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, Trung tâm chuyên sâu tim mạch mới được khánh thành đưa vào sử dụng.

Hai khối nhà 4A và 5B vẫn đang dang dở, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh. Toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện được tiến hành trong những khu nhà tạm chật hẹp.

Ngay cả lối đi, khu vực chờ đợi của bệnh nhi và người nhà cũng chật chội, bí bách. Nhiều lần đưa con đi khám tại đây, chị Nguyễn Thị Lành (ngụ thành phố Thủ Đức) bức xúc: "Công trình thi công kéo dài khiến cho mỗi lần đưa con đi khám như cực hình, nóng nực, chật chội. Người lớn còn cảm thấy khó chịu đừng nói đến trẻ con đang bị bệnh."

Cùng với các công trình do nhà thầu thi công chậm chạp, đến nay, nhiều công trình y tế dù đã được chấp thuận chủ trương nhưng vẫn “nằm trên giấy” như Dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2), Dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn…

Thúc tiến độ giải ngân công trình y tế

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực y tế có 109 dự án được thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 23.327 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020 có 39 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; tiêu biểu như Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp, Bệnh viện Hùng Vương giai đoạn 2, Bệnh viện Tai mũi họng…

thuc te co so y te o tphcm thuc tien do giai ngan cong trinh y te
Công trình xây dựng Bệnh viện An Bình giai đoạn 2 vẫn chưa xong phần móng dù đã quá thời hạn bàn giao gần nửa năm. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đến năm 2022, một số dự án cũng được hoàn thành như: Dự án xây dựng Bệnh viện Truyền máu-Huyết học cơ sở 2, Dự án Khu điều trị tim mạch kỹ thuật cao Bệnh viện Nhi đồng 1, Dự án xây dựng Bệnh viện An Bình giai đoạn 1. Còn lại, đa số các dự án khác đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ các dự án xây dựng y tế, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến việc thi công của các đơn vị khó khăn và dẫn đến chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, biến động giá vật liệu xây dựng nên các nhà thầu thi công cầm chừng, chờ giá giảm. Qua thực tế kiểm tra, nhiều nhà thầu cho biết sẵn sàng đền hợp đồng chứ không thi công; bởi nếu tiếp tục làm có thể lỗ hàng chục tỷ đồng. Trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay, nhà thầu càng làm càng lỗ.

Ngoài ra, một số dự án do hết thời gian thực hiện, lại phải ngưng để chờ gia hạn kéo dài thời gian xây dựng.

Đơn cử như Dự án xây dựng mới Bệnh viện Răng hàm mặt (khối lượng giải ngân hiện vẫn là 0% do đang chờ Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương xin gia hạn dự án); hai công trình xây dựng của Bệnh viện Nhi đồng 1 (chỉ giải ngân được hơn 10% do vướng các gói trang thiết bị đấu thầu); Dự án Khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định (gặp khó khăn do có sự chênh lệch lớn về giá giữa thời điểm trúng thầu và hiện tại).

Trước tình hình tiến độ giải ngân các công trình có vốn đầu tư công chậm, nhất là các công trình xây dựng thuộc lĩnh vực y tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã giao các Tổ công tác chuyên đề (dự án vốn lớn, ODA, giải phóng mặt bằng) đánh giá, nhận diện những khó khăn, vướng mắc của từng nhóm, từng dự án; từ đó tập trung bám sát và có hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc; thường xuyên chủ động làm việc cụ thể từng nội dung với các đơn vị liên quan để đôn đốc thực hiện các dự án xây dựng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải chi tiết tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn được giao đến cuối năm, bám sát theo từng quy trình, thủ tục thực hiện của từng dự án, đảm bảo tiến độ giải quyết của từng cơ quan và chất lượng của từng nội dung; kiểm soát được những tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện để tránh bị động, ảnh hưởng chung đến toàn bộ tiến trình dự án./.

Theo Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ngãi: Đưa vào sử dụng Trung tâm Y tế trăm tỷ ở huyện đảo Lý Sơn

    (Xây dựng) – Sau 30 tháng nỗ lực thi công, công trình y tế trăm tỷ ở huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng khôn xiết của chính quyền, quân và dân đất đảo.

  • Nguy cơ ánh sáng xanh và an toàn quang sinh học

    (Xây dựng) - Ánh sáng xanh lam xuất hiện tự nhiên như một phần của ánh sáng Mặt Trời và những nguồn sáng nhân tạo. Đã từ lâu, con người dường như mặc nhiên thừa nhận rằng, thế giới sự sống đã “thích nghi” với các loại nguồn sáng này. Tuy nhiên khoảng hai chục năm nay, khi đèn LED trắng, với hàm lượng ánh sáng xanh lam rất lớn được phổ biến trong các loại hình chiếu sáng thì người ta đã có nhiều lo ngại về những tác dụng tiêu cực của ánh sáng xanh, đặc biệt là xanh lam lên con người và động thực vật. Cũng từ đó, các cụm từ “nguy cơ ánh sáng xanh” hay “an toàn quang sinh học” không chỉ mang tính cảnh báo mà đã được luật hóa bằng một Tiêu chuẩn quốc tế mã hiệu IEC/EN 62471: 2006: “Photobiological Safety of Lamps and Lamp Systems”, nghĩa là “An toàn quang sinh học đối với đèn và hệ thống đèn”. Bài viết này trình bày các vấn đề liên quan đến vấn đề trên.

  • Chiếu sáng xanh vì sức khỏe cộng đồng

    (Xây dựng) - Khái niệm chiếu sáng xanh thường được hiểu có liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và tác động môi trường. Chủ đề của hội thảo là về chiếu sáng xanh (green lighting) sẽ có nhiều nội dung đề cập đến việc sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng, các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, vấn đề phát thải khí nhà kính của hệ thống chiếu sáng, vấn đề tái sử dụng nguyên vật liệu và các thành phần của thiết bị chiếu sáng như một phần của kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng khác cần quan tâm đến đối tượng sử dụng chiếu sáng chính là con người nên cần biết tác động của ánh sáng đối với con người như thế nào để tạo được môi trường ánh sáng tốt nhất cho sức khỏe con người. Ở đây chúng tôi đề cập chủ yếu đến tác động của ánh sáng đối với sức khỏe con người và giải pháp chiếu sáng xanh vì sức khỏe cộng đồng.

  • Japanese Infrastructure Ministry unveils action plan "i-Construction 2.0" to achieve construction site automation by 2040

    (Construction) - Japanese Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism has announced an action plan titled "i-Construction 2.0," aimed at realizing the automation of construction sites by the fiscal year 2040.

  • 3 tính năng ưu việt giúp nệm lò xo Thuần Việt Emerald ghi điểm trong mắt người dùng

    (Xây dựng) - Phòng ngủ đẹp tinh tế là sự kết hợp hài hòa giữa các nội thất phòng ngủ, màu sắc và phong cách bày trí đồ đạc. Đặc biệt việc lựa chọn các vật dụng phòng ngủ phù hợp với nhu cầu sử dụng và mang lại vẻ đẹp cho căn phòng sẽ giúp cho bạn có cảm giác thoải mái và thư giãn khi bước vào. Điểm nhấn được chú ý và quan trọng nhất trong căn phòng ngủ là một chiếc nệm.

  • Bệnh viện Quốc tế DNA và Crystal Bay thúc đẩy “Doanh nhân mạnh khỏe - Doanh nghiệp thịnh vượng”

    (Xây dựng) - Ngày 06/4, Bệnh viện Quốc tế DNA kết hợp cùng Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng và Liên Chi hội BĐS Công nghiệp Việt Nam (VIREA) tổ chức chương trình “Doanh nhân mạnh khỏe - Doanh nghiệp thịnh vượng” với chủ đề “Chống lão hóa - Xu hướng mới trong thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load