(Xây dựng) – Ngày 18/3, Đại sứ quán Anh đã phối hợp cùng đối tác chuyên gia Carbon Trust tổ chức hội thảo trực tuyến “Sau Hội nghị COP26: Vai trò của doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ của Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức sau một tháng kể từ chuyến thăm thứ hai của Chủ tịch COP26 Alok Sharma tới Việt Nam.
Ông Sam Wood - Phó Tổng Lãnh sự Anh tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. |
Trong chuyến thăm hồi tháng Hai vừa qua, ông Alok Sharma đã gửi lời chúc mừng và ghi nhận Việt Nam vì đã đưa ra những cam kết về khí hậu đầy tham vọng như đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, loại bỏ than đá vào những năm 2040 và tăng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Ngay sau Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Phạm Minh Chính đừng đầu. Đây là những tín hiệu mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam cho thấy rằng Việt Nam đang cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Bên cạnh những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức tài chính cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của chính phủ Việt Nam, trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng được đặt làm trọng tâm.
Trong bối cảnh đó, hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại diện tiêu biểu từ khu vực tư nhân và nhà nước, thảo luận về tầm quan trọng của cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”của Việt Nam và nêu bật những nỗ lực tương ứng biến những mục tiêu tham vọng thành hành động trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Thông qua bài phát biểu trong hội thảo về chủ đề “Vai trò của quỹ đầu tư trong việc tăng tốc tài chính xanh”, ông Don Lam - Nhà Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn VinaCapital – người đã có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam trong hơn hai thập kỷ vừa qua và chứng kiến sự phát triển vượt bậc của VinaCapital nhấn mạnh: “Cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hôi nghị COP26 chính là sự thừa nhận của chính phủ Việt Nam rằng quốc gia này cần làm nhiều hơn nữa để chuyển dịch năng lượng, hướng đến các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn. Việt Nam cũng thừa nhận rằng quốc gia này chưa đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng này. Đây là thời điểm mà khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty quản lý đầu tư đang đóng một vai trò quan trọng. VinaCapital đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo: Năng lượng mặt trời và gió, đóng vai trò là đối tác tại Việt Nam của các nhà lãnh đạo năng lượng toàn cầu như tập đoàn GS Energy và Công ty điện lực Pháp (EDF). Chúng tôi tạo điều kiện để họ mang kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng của mình đến Việt Nam. Chúng tôi mong muốn chào đón nhiều hơn những nhà đầu tư trong lĩnh vực này trong thời gian sắp tới”.
Thảo luận bàn tròn tại sự kiện |
Hội thảo cũng bao gồm phần thảo luận bàn tròn với chủ đề “Định hướng thách thức và cơ hội trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang phát thải ròng bằng ‘0’ của Việt Nam”. Một trong những thành viên tham luận, ông Chris Stephens - Giám đốc Khu vực Châu Á & Châu Phi tại Carbon Trust chia sẻ: “Một yếu tố góp phần vào niềm tin của Carbon Trust rằng Hội nghị COP26 có khả năng hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C là sự tham gia ngày càng tích cực của các doanh nghiệp và tổ chức tài chính trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh nhiều tổ chức và doanh nghiệp khác, công việc của chúng tôi tại Việt Nam là minh chứng cho thấy nếu Việt Nam thực sự mong muốn thành công trong việc thực hiện các cam kết vì khí hậu, cần có nhiều hơn những giải pháp để mở rộng quy mô và tốc độ dòng vốn vào các hoạt động liên quan đến giảm phát thải ròng bằng “0”. Nỗ lực này là cần thiết để khẳng định vị thế của Việt Nam như một quốc gia đi đầu trong khu vực về giải pháp vì khí hậu”.
Ông Sam Wood - Phó Tổng Lãnh sự Anh, đồng thời là Trưởng bộ phận Thương mại & Đầu tư Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khép lại hội thảo bằng lời kêu gọi hành động về những hình thức các doanh nghiệp và tổ chức tài chính có thể xây dựng và thực hiện sau khi Hội nghị COP26 kết thúc và đóng góp theo những cách thiết thực: “Tất cả các chính phủ, nhà đầu tư và doanh nghiệp đều có trách nhiệm phải hành động ngay bây giờ và tham gia thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Vương quốc Anh tự hào hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc triển khai hiệu quả tài chính xanh. Chúng tôi hy vọng các công ty của Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới và tìm cách giảm tiêu thụ năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và có những hành động mạnh mẽ để bù đắp lượng khí thải. Chúng ta không thể phớt lờ tính cấp bách của biến đổi khí hậu thêm nữa. Tôi muốn gửi thông điệp cuối cùng và lời kêu gọi hành động tới cộng đồng tài chính và kinh doanh rằng: Hãy tham vọng! Nắm bắt quá trình chuyển dịch xanh! Hợp tác để đổi mới! Và hãy bắt đầu ngay hôm nay!”.
Các cam kết Việt Nam đưa ra tại COP26. |
Hội thảo đã thu hút được hơn 100 người tham dự trực tuyến, đại diện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức tài chính nổi bật như: PwC, Prudential, Citibank, Standard Chartered… Đây đều là những doanh nghiệp, tổ chức nổi bật có vai trò quan trọng trong việc định hình tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các cam kết khác của Việt Nam tại COP26 Phát thài ròng bằng “0” (hay còn gọi là Net-Zero) đề cập đến sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính tạo ra và lượng khí nhà kính loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Đạt phát thải ròng bằng “0” là cách tốt nhất để con người ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những gì con người làm trong thập kỷ tới để hạn chế lượng khí thải là vô cùng quan trọng với tương lai, đó là lý do tại sao mọi quốc gia, lĩnh vực, ngành công nghiệp phải làm việc cùng nhau để tìm cách cắt giảm lượng carbon phát thải ra môi trường. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và tán thành sáu sáng kiến, bao gồm Tuyên bố Glasgow về sử dụng rừng và đất, Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF), Cam kết Khí Mêtan Toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch, Chương trình hành động để chuyển đổi sang nền nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và Lời kêu gọi hành động: Nâng cao tham vọng thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu. |
Đặng Ngân
Theo