Để triển khai nghị quyết về phát triển vùng ĐBSCL, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng ban hành chương trình hành động và có các giải pháp triển khai phù hợp đặc điểm, tình hình từng địa phương.
Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây - một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025. (Nguồn: TTXVN phát) |
Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững Đồng bằng sông Cửu Long - địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước, ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Đưa nghị quyết vào cuộc sống, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng chiến lược, các địa phương trong vùng đã và đang triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết của Đảng bộ các tỉnh thành, nhiệm kỳ 2020- 2025, tạo bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc cho từng địa phương cũng như toàn vùng.
Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo.
Để triển khai nghị quyết, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng ban hành chương trình hành động và có các giải pháp triển khai phù hợp đặc điểm, tình hình từng địa phương, trong đó một trong những nội dung quan trọng, làm nền tảng cho phát triển là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, hoàn thiện, trình quy hoạch của từng tỉnh, thành thuộc vùng, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng đảm bảo đồng bộ, liên thông với quy hoạch vùng, khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế địa phương, góp phần phát triển toàn vùng.
Long An là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Được, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh nhất quán mục tiêu phát triển đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Đồng thời, hình thành các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Hiện nay, Long An triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, coi trọng tạo đột phá trong cải cách hành chính nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Đồng thời, tỉnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổ số trên các lĩnh vực quan trọng.
Năm 2023, Long An có 21/23 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 5,77%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra, song đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.
Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, ước đạt 3,5%, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh đẩy mạnh, vốn đầu tư của các dự án cấp mới trong và ngoài nước tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.
Khu công nghiệp Long Hậu, Cần Giuộc, Long An nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN) |
Long An xác định năm 2024 tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, triển khai có hiệu quả quy hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, chuyển đổi số, hỗ trợ phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ cảng, logistics, các loại hình du lịch thế mạnh ở địa phương như du lịch văn hóa, sinh thái, trải nghiệm.
Đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm
Sau Long An, Sóc Trăng là tỉnh thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để địa phương tiếp tục triển khai các định hướng ,chiến lược phát triển, liên kết hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng thời, gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, tạo sự phát triển toàn diện cho địa phương và toàn vùng.
Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu trên cánh đồng của huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN) |
Đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, khẳng định tỉnh sẽ khai thác lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.
Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển, Sóc Trăng tập trung thực hiện 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp chế biến, nông nghiệp-thủy sản, dịch vụ-du lịch, đồng thời khai thác các ngành kinh tế tiềm năng như năng lượng, cảng biển, logisitcs, đô thị…
Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, nâng cao thứ hạng các chỉ số như cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định 3 khâu đột phá; trong đó, đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh, gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành tiềm năng ở địa phương.
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, trên địa bàn Sóc Trăng có 8 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư; trong đó có dự án Cảng nước sâu Trần Đề; các dự án kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra, theo quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, nhu cầu thu hút lao động vào vùng biển làm việc cũng rất lớn, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao phục vụ các dự án đầu tư lớn từ Trung ương và của nước ngoài về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái, hệ thống cảng biển...
Vì vậy, tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tỉnh đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp, các viện, học viện, trường đại học, trường cao đẳng chất lượng cao ngoài địa phương để tổ chức tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm.
Ngay trong tháng 9/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Esuhai, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên môn; nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho người lao động, phục vụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)