(Xây dựng) - Là đô thị vùng biên giới có hệ thống cửa khẩu, bến cảng, điểm thông quan rất thuận tiện với nước bạn Trung Quốc, Móng Cái đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại biên giới. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt trong những tháng cuối năm.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái là một trong những cửa khẩu giao thương biên giới với Trung Quốc được xây dựng đầu tiên của nước ta. |
Là địa phương nằm ở cực Đông Bắc của Tổ quốc, với thế mạnh có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, từ lợi thế đó, thời gian vừa qua, thành phố Móng Cái đã đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ vùng biên giới cho cả khách quốc tế và nội địa.
9 tháng năm 2024, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, số lượng tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh qua địa bàn Móng Cái đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết ngày 15/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã thu hút 1.146 doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan qua địa bàn (tăng 273 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023); thực hiện thủ tục hải quan cho gần 66.000 tờ khai xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu là trên 2,8 tỷ USD (tăng 18% về tờ khai và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023).
Mặc dù vậy, hoạt động thương mại biên giới tại Móng Cái vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định, trong đó chủ yếu liên quan đến các cơ chế chính sách biên mậu; hạ tầng tại cửa khẩu chưa đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, nhất là trong những thời gian cao điểm.
Cụ thể, Cửa khẩu Ka Long là cửa khẩu có vai trò lớn trong việc giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản, hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng từ tháng 10/2022 đến nay chưa hoạt động trở lại. Hạ tầng cửa khẩu cầu Bắc Luân II hiện nay đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng nên chưa đáp ứng yêu cầu thông quan với số lượng xe thông quan lớn…
Trước đó, ngày 05/9/2023, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình hoạt động và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại biên giới tại các cửa khẩu trên địa bàn thành phố Móng Cái. Cùng đi có một số sở, ngành liên quan của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại lối mở km3+4 Hải Yên. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh) |
Tại buổi làm việc trên cơ sở báo cáo, đề xuất từ địa phương, các sở, ngành liên quan đã tập trung rà soát, tham gia ý kiến tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thúc đẩy kinh tế thương mại biên giới...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, đối với thành phố Móng Cái, kinh tế thương mại biên giới là trụ cột quan trọng để thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế của địa phương. Triển khai các nội dung tuyên bố chung giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và các thỏa thuận, hợp tác giữa Quảng Ninh và Quảng Tây nói riêng, trong thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế thương mại biên giới; góp phần thúc đẩy xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Công chức Chi cục HQCK Móng Cái giám sát hành lý của khách xuất nhập cảnh. (Ảnh: Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái) |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với thành phố Móng Cái để thực hiện rà soát các thủ tục pháp lý và các điều kiện liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động kinh tế thương mại biên giới.
Lê Trang
Theo