(Xây dựng) - Ngày 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển loại I. Trong đó, khu bến Chân Mây gồm: Các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan. Tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Khu bến cảng Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng, với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5-6 triệu tấn/năm. Lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4 - 4,5 triệu tấn. Dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm.
Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao vai trò, vị trí của cảng Chân Mây trong vận tải hàng hóa bằng đường biển. Việc hoàn thiện hạ tầng đáp ứng các điều kiện để đưa vào khai thác đón tàu container sẽ góp phần giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, đơn vị quản lý cảng Chân Mây cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống kho bãi, xây dựng hệ thống quản lý cảng biển tiên tiến nhằm thu hút các hãng tàu chở hàng container lớn trong nước và quốc tế…
Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: Cảng Chân Mây cần tiếp tục kêu gọi đầu tư để hoàn thiện hạ tầng các cầu cảng mới, trung tâm logistic về kho bãi, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh để tận dụng lợi thế vị trí của cảng nước sâu này. Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu hàng hải nghiên cứu mở tuyến container đến cảng Chân Mây, mở ra giai đoạn phát triển mới cho cảng biển này, qua đó tối ưu hóa mạng lưới vận tải ven biển của Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện các doanh nghiệp tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc phát triển cơ sở hạ tầng, mở tuyến vận chuyển hàng hóa container qua cảng Chân Mây và chính sách thu hút tàu container của tỉnh sẽ mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp gia tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế, xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tính đến tháng 9/2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng. Tại địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh có 9 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 5 dự án tiêu biểu như: Dự án Bến số 4, Bến số 5 cảng Chân Mây của Công ty Cổ phần Hàng hải VSICO; Dự án Nhà máy chế biến bột cristobalite của Công ty Cổ phần Calacatta Huế; Dự án Nhà máy 2 của Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài 2; Nhà máy sản xuất vật liệu gỗ thạch anh nhân tạo, gạch gốm thạch anh trang trí và sản phẩm thạch anh mỹ nghệ xuất khẩu của Công ty TNHH HGC Stone; Dự án xây dựng nhà xưởng để cho thuê của Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam.
Trí Đức
Theo